Tiền đầu tư tăng mạnh
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng nguồn vốn đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên đã tăng lên trên 265,7 ngàn tỷ đồng, gấp đôi so với giai đoạn 2006 - 2010. Tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn đạt trên 11,3%/năm, trong đó, vốn đầu tư vào khu vực nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 14,89%/năm, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 2,39%/năm, khu vực dịch vụ tăng 12,13%/năm. Vốn đầu tư tăng mạnh nhất là ở tỉnh Đắk Nông, gấp 2,5 lần, tăng bình quân 20%/năm, trong đó, đầu tư phát triển giao thông tăng 4,6 lần so với giai đoạn 5 năm trước. Năm 2016, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nguồn vốn đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên cũng tăng lên khá cao, với trên 76.373 tỷ đồng, tăng 15,85% so với năm 2015. Riêng nguồn vốn đầu tư phát triển do địa phương quản lý tăng 25,32%.
Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên được đưa vào sử dụng đã giúp các địa phương trong vùng phát triển kinh tế. |
Các địa phương khu vực Tây Nguyên đã đẩy mạnh việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đặc biệt, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) các tỉnh Tây Nguyên đã được cải thiện. Việc tăng cường quảng bá các tiềm năng, lợi thế của vùng cũng như chỉ đạo các ban, ngành tích cực tháo gỡ khó khăn để thu hút đầu tư trong, ngoài nước vào Tây Nguyên được quan tâm.
Chỉ riêng năm 2015, các tỉnh Tây Nguyên đã thu hút được 254 dự án đầu tư với số vốn đăng ký là 34.115 tỷ đồng. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã có 128 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), với tổng số vốn đầu tư 818,7 triệu USD. Các dự án này chủ yếu đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp, chế biến nông, lâm sản, dịch vụ. Theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, công tác vận động tài trợ ODA và NGO (các tổ chức phi Chính phủ) cũng đang được các tỉnh Tây Nguyên quan tâm, phát huy hiệu quả... Trong đó vốn đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Cũng theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cơ cấu vốn đầu tư vào vùng Tây Nguyên đã thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, từ 43,96% năm 2011 xuống còn 29,48% vào cuối năm 2015. Trong khi đó, tỷ trọng vốn đầu tư từ nguồn vốn khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng từ 53,4% lên 69,28%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng từ 1,85% lên 1,96%. Các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai có tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng đáng kể, từ 64,86% năm 2011 tăng lên 71,85% năm 2015. Các tỉnh còn nhiều khó khăn như Kon Tum, Đắk Nông cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút, tăng tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
Vốn đầu tư vào khu vực nông, lâm, thủy sản của các tỉnh Tây Nguyên chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các ngành kinh tế (bình quân 19,24%) và có mức tăng tỷ trọng cao nhất (từ 18,03% năm 2011 lên 19,5% vào năm 2015). Hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông có tỷ trọng vốn đầu tư vào khu vực nông, lâm, thủy sản nhiều nhất so với các tỉnh Tây Nguyên.
Đầu tư phát triển hệ thống giao thông cho khu vực Tây Nguyên cũng được chú trọng. Tổng số vốn bố trí và huy động trong cả giai đoạn đạt khoảng 64.000 tỷ đồng, bằng 1/6 tổng vốn đầu tư toàn xã hội khu vực Tây Nguyên. Nhiều công trình giao thông trọng yếu trên địa bàn Tây Nguyên được hoàn thành đưa vào sử dụng đã làm thay đổi bộ mặt của vùng như đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, quốc lộ 19, 20, 28... , các cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Pleiku đã tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hành khách, hàng hóa trong vùng thông suốt, nhanh chóng kết nối với các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là các trung tâm kinh tế lớn của khu vực Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh... Hiện nay, mạng lưới giao thông khu vực Tây Nguyên có tổng chiều dài gần 40.000 km; trong đó, đường quốc lộ 2.517 km, tỷ lệ cứng hóa đã đạt 88,28%, đường tỉnh lộ dài 1.948 km, cứng hóa đạt 85,3%, đường giao thông nông thôn dài 35.347 km, cứng hóa đạt 42,76%...
Trong giai đoạn 2013 - 2016, tại các hội nghị xúc tiến đầu tư vào khu vực Tây Nguyên, ngành ngân hàng đã cam kết tài trợ vốn với số tiền gần 44.000 tỷ đồng để thực hiện 53 dự án đầu tư trong các lĩnh vực có thế mạnh của vùng như: Cà phê, cao su, giao thông, thủy điện... , góp phần quan trọng trong việc phục vụ phát triển kinh tế xã hội của vùng Tây Nguyên. Các hợp đồng tài trợ vốn lưu động cho các dự án đều đã được các ngân hàng thương mại giải ngân kịp thời, có 6 hợp đồng tài trợ dự án trung, dài hạn đã được giải ngân, 100% đưa vào khai thác.
Cần những dự án đột phá
Mặc dù nguồn vốn đầu tư vào Tây Nguyên bước đầu được cải thiện nhưng phát triển kinh tế vẫn còn thấp so với tiềm năng, lợi thế vốn có của vùng. Tăng trưởng chưa thực sự bền vững, chất lượng của nền kinh tế không cao, thiếu ổn định. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực song còn chậm.
Đến cuối năm 2016, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đạt khoảng 120.605 tỷ đồng, tăng 24% so với 31/12/2015, cao hơn mức tăng trưởng huy động toàn nền kinh tế. Nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ đáp ứng được 54,3% tổng nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn, phần còn lại phải điều chuyển từ các khu vực khác. |
Sản xuất nông nghiệp còn chứa đựng những yếu tố thiếu bền vững. Nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng bằng cách mở rộng diện tích, khai thác tài nguyên rừng, đất, nước thiếu kiểm soát. Chưa có sự đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm. Một số cây trồng vốn là thế mạnh của Tây Nguyên như cà phê, cao su, hồ tiêu... tiếp tục bộc lộ khó khăn, hạn chế, nhất là phát triển tự phát không kiểm soát được (diện tích tiêu tăng 16.207 ha). Chưa tạo được sự gắn kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất, giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ, từ cung ứng các yếu tố đầu vào, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ, đến tiêu thụ sản phẩm cuối cùng để tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm. Tái canh cà phê triển khai chậm do gặp khó khăn về tín dụng, kỹ thuật và việc hỗ trợ tín dụng chưa thực sự hấp dẫn người dân.
Sản xuất công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, sản xuất cầm chừng và chưa thực sự bền vững. Một số sản phẩm chế biến giảm do gặp khó khăn về thời tiết, nguồn nguyên liệu đầu vào hạn chế, hàng tồn kho nhiều. Chỉ số sản xuất công nghiệp một số ngành đạt thấp. Chưa có được những dự án đầu tư quy mô lớn, tạo bước đột phá cho sự phát triển của ngành công nghiệp. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ nên khả năng cạnh tranh thấp, chịu áp lực lớn bởi thị trường trong nước khó khăn, thị trường nước ngoài bị thu hẹp, đầu ra không ổn định, nguồn vốn hạn hẹp nên sản xuất cầm chừng; thậm chí nhiều doanh nghiệp không duy trì được năng lực sản xuất, một số doanh nghiệp hầu như ngưng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn, khó tiếp cận được vốn ngân hàng do không đáp ứng các điều kiện vay, trả. Xuất khẩu thiếu tính bền vững, đa số là sản phẩm sơ chế nên giá trị thấp, khó tiêu thụ. Doanh nghiệp tham gia xuất khẩu rất hạn chế, khó khăn về vốn, khó tiếp cận được nguồn vốn vay nên không thu mua, tạm trữ được sản lượng như dự kiến...
Kết cấu hạ tầng chậm được cải thiện và đồng bộ. Cơ sở hạ tầng nhất là giao thông còn nhiều yếu kém và bất cập, nhiều tuyến đường xương sống xuống cấp một cách trầm trọng, nhưng chậm được đầu tư hoặc đầu tư thấp và nhỏ giọt, một số dự án đầu tư tiến độ thực hiện còn chậm, ách tắc và có những vấn đề khiến dư luận quan tâm. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, giao thông nông thôn quá tải và hư hỏng nặng cần được nâng cấp nhưng chưa có vốn để triển khai.
Cũng theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, kinh tế của Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn ngày một nâng cao, song vẫn còn thấp so với tiềm năng, lợi thế vốn có của vùng. Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị Chính phủ cũng như các tỉnh trong khu vực cần sớm có cơ chế, chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư để các nhà đầu tư trong, ngoài nước ngày càng đến nhiều hơn nữa với Tây Nguyên nhằm khai thác những tiềm năng, lợi thế của vùng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Tây Nguyên bền vững.
Ông Điểu Kré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Cần nhiều nguồn lực để phát triển Tây Nguyên Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 - 2017 nhằm thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để phát triển nhanh, bền vững khu vực Tây Nguyên. Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch đi vào chiều sâu, quy mô, thực chất. Tạo điều kiện cơ hội cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương và trao đổi về khả năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp (chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi đại gia súc), công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ du lịch, tín dụng, phát triển các nguồn năng lượng sạch. Thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp tại Tây Nguyên. Thông qua hội nghị lần này, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên sẽ tập trung đánh giá kết quả phát triển kinh tế và thu hút đầu tư trong thời gian qua. Giới thiệu tiềm năng, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư giai đoạn 2016 - 2020, các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, danh mục các dự án mời gọi đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 của các tỉnh Tây Nguyên. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức trong và ngoài nước trao đổi với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương vùng Tây Nguyên về cơ hội đầu tư và các dự án đầu tư cụ thể thuộc các ngành, lĩnh vực tại các địa phương vùng Tây Nguyên...
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Kết nối ngân hàng với doanh nghiệp Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành hoạt động tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả, an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD). Kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và chỉ số lạm phát được Quốc hội thông qua. Điều hành hoạt động tín dụng chủ động theo hướng tăng trưởng tín dụng phải phục vụ phát triển kinh tế và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo Nghị quyết 19 - 2016/NQ - CP; Nghị quyết 35/NQ - CP của Chính phủ, đồng thời tiếp tục thực hiện các chương trình tín dụng đặc thù cho khu vực. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các TCTD tiếp tục tập trung nguồn vốn cho vay đối với các doanh nghiệp, hộ dân phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại khu vực Tây Nguyên, trong đó bao gồm cho vay thực hiện các dự án phòng chống, khắc phục hạn hán tại các địa phương trong khu vực. Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ đối với các khách hàng đang vay vốn gặp khó khăn do hạn hán như cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay... theo quy định để giúp khách hàng khôi phục sản xuất. Đồng thời thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ dân, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của khách hàng. Tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm tín dụng phù hợp. Rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong việc cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường triển khai chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp trên địa bàn. Các TCTD tiếp tục cho vay phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội gắn liền với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại khu vực Tây Nguyên...
Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk: Hỗ trợ doanh nghiệp chế biến cà phê Từ nay đến năm 2020, tỉnh Đắk Lắk tăng cường đầu tư, phấn đấu tăng tỷ lệ cà phê chế biến sâu (cà phê bột, cà phê hoà tan, các loại cà phê chế biến khác theo thị hiếu của thị trường...) lên 15%; đến năm 2030, tăng lên từ 20 - 30% trong tổng sản lượng cà phê nhân của tỉnh, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm cà phê - cây nông sản có giá trị xuất khẩu số 1 của tỉnh. Theo đó, tỉnh đã khuyến khích, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư rang xay thế giới đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm cà phê bột, cà phê hòa tan, các sản phẩm cà phê chế biến sâu khác để gia tăng giá trị sản phẩm cà phê xuất khẩu. Tỉnh cũng đào tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến cà phê xuất khẩu, cà phê chế biến sâu quy trình thu hái, phơi sấy, bảo quản cà phê nhân sau thu hoạch, chế biến sâu và xây dựng, áp dụng quy trình quản lý doanh nghiệp tiên tiến, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cho cà phê đã chế biến sâu gắn với truy suất nguồn gốc, quản lý chất lượng cà phê chế biến sâu theo chuỗi, tiếp cận thị trường... Chế biến sâu cà phê trên địa bàn tỉnh chủ yếu do doanh nghiệp tư nhân thực hiện, năng lực tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp này còn nhiều hạn chế, chính sách của tỉnh còn nhiều bất cập. Do đó, chưa khuyến khích được các doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư phát triển các cơ sở chế biến sâu đối với sản phẩm cà phê... |