Tết ông Công ông Táo, lại chuyện xả rác sông Hồng

Nhiều năm qua, hoạt động phóng sinh cá chép và xả tro vàng mã, ban thờ... xuống sông Hồng gây ra tình trạng mất vệ sinh, ùn ứ túi nilon, rác thải trên cầu Chương Dương và cầu Long Biên.

Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng.

Lễ cúng tiễn đưa ông Táo chầu Trời thường được cúng vào tối ngày 22 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, hoặc sáng sớm ngày 23. Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để thả cá chở ông Táo lên chầu Trời.

Bạn Đặng Minh Hậu (sinh viên Học viện Tài chính), điều phối viên của chương trình “Con đường Táo quân” trực chiến tại cầu Long Biên – Hà Nội.

Những trường hợp mang tro hóa vàng ra cầu Long Biên thả xuống sông Hồng, đều được các bạn kiên quyết nhắc nhở sau đó thu gom.


Bạn Nguyễn Hữu Hiếu (sinh viên Đại học Mỏ địa chất), với “chiến lợi phẩm” thu gom gói tro hóa vàng mà người đi đường định xả xuống sông Hồng.

Tại Hà Nội, khu vực cầu Chương Dương, cầu Long Biên và các hồ ở Hà Nội… là những điểm người Hà Nội thường đến để phóng sinh cá chép.

Để nhắc nhở người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, xả túi nilon đúng nơi quy định. Dịp Tết ông Công ông Táo năm nay, nhóm ‘Con đường Táo quân”, gồm 150 bạn sinh viêc các trường đại học, trường Trung học cơ sở trên địa bàn đã tập hợp, "trực chiến" từ ngày 21 tháng Chạp tại 2 điểm cầu Chương Dương và Long Biên để gom nhặt túi nilon, phóng sinh cá giúp mọi người và đồng thời góp phần nhắc nhở người dân về ý thức bảo vệ môi trường.

Các bạn trẻ hoạt động tích cực ở cả hai bên hành lang cầu Long Biên, nhanh chóng có mặt thu gom rác thải của bất cứ ai định xả xuống sông Hồng.


Đáng chú ý là để giúp mọi người phóng sinh cá chép, các bạn trẻ sẽ thả cá và nước vào xô rồi từ từ thả dây thừng đưa xô xuống tận mặt sông để việc phóng sinh thực sự có ý nghĩa.


Tuy nhiên, với 150 bạn trẻ thì không thể đủ quân số để rải hết mọi chỗ. Và khi cầu Chương Dương không có các bạn trẻ trực chiến, ở đó sông Hồng bị xả rác.

Theo bạn Lại Minh Cường, trưởng nhóm Con đường Táo quân, trước đó 1 tuần, tại xung quanh các hồ lớn ở Hà Nội, 150 bạn trẻ cũng đã đến từng ngõ, phố dán tờ rơi với nội dung: “Thả cá đừng thả túi nilon”.

Hành động bảo vệ môi trường của các bạn trẻ thuộc các trường đại học, trung học trên địa bàn Hà Nội đã tạo ra phong cách đẹp trong nếp sống thủ đô.

Chẳng ai muốn mình bị xem là người mất lịch sự, không có ý thức bảo vệ môi trường. Nên khi thấy ống kính ghi hình, nhiều người lập tức che mặt.


Không biết đến bao giờ, người Hà Nội mới có được ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn sông Hồng sạch, đẹp?


Với kiểu phóng sinh cá chép từ lan can cầu, cách mặt nước sông Hồng hơn 20m, không ai dám chắc phương tiện về trời của ông Công, ông Táo còn sống.

Hy vọng hình ảnh hàng trăm bạn trẻ sinh viên, học sinh trung học kiên trì đứng trong giá rét giữa cầu Long Biên bảo vệ sông Hồng, sẽ giúp người Hà Nội dần có ý thức bảo vệ môi trường.

Tin, ảnh: Xuân Hương
Lễ cúng ông Táo - nét văn hóa tâm linh
Lễ cúng ông Táo - nét văn hóa tâm linh

Cứ đến ngày 23 tháng Chạp, mọi nhà đều bận rộn chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Táo về trời để tâu trình Ngọc Hoàng những công việc của gia chủ đã làm trong năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN