Đồng thời, UBND tỉnh cũng thống nhất không xem xét hỗ trợ cho người lao động mất việc làm tại các lò gạch thủ công này.
Theo đó, tại văn bản số 16/UBND-XD, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu huyện Cát Tiên khẩn trương chấm dứt hoạt động của 10 cơ sở lò gạch thủ công đang còn hoạt động trên địa bàn trước ngày 16/6/2024. Đối với 5 cơ sở lò vòng tại các huyện Cát Tiên, Di Linh và Đạ Huoai, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương này hướng dẫn các chủ cơ sở xây dựng phương án để chuyển đổi sang công nghệ sản xuất gạch tuynel, công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng không nung hoặc ngành nghề khác phù hợp. Thời gian thực hiện chấm dứt hoạt động các lò vòng cũng trước ngày 16/6/2024.
Căn cứ văn bản tham mưu của Sở Tài chính, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất không xem xét hỗ trợ kinh phí cho các lao động mất việc do đóng cửa các lò gạch thủ công. Theo lãnh đạo Sở Tài chính, trong 10 cơ sở lò gạch thủ công và lò vòng trên địa bàn 2 huyện Cát Tiên và Đạ Huoai (chưa thống kê huyện Di Linh) có tổng số 124 người lao động. Tất cả các lao động này đều là lao động ngắn ngày, làm theo thời vụ và không có hợp đồng lao động.
Với các trường hợp này, UBND các huyện Cát Tiên và Đạ Huoai đã đề xuất vận dụng Điều 8, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/2/2020 để hỗ trợ các lao động phải chấm dứt việc làm do đóng cửa lò gạch thủ công. Tuy nhiên, sau khi xem xét, Sở Tài chính Lâm Đồng căn cứ Bộ Luật lao động năm 2019, Luật Ngân sách Nhà nước 2015 xác định việc chi hỗ trợ cho người lao động mất việc tại các lò gạch thủ công phải chấm dứt hoạt động không thuộc nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương.
Từ tháng 1/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng các loại lò sử dụng công nghệ lạc hậu trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chậm nhất đến hết năm 2017 chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến; chậm nhất đến hết năm 2018 thì chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò vòng và chậm nhất đến hết năm 2020 thì chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò đứng liên tục. Theo lộ trình, đến năm 2020 toàn tỉnh có tổng cộng 37 lò gạch phải chấm dứt hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên tới thời điểm này (tháng 5/2024), toàn tỉnh vẫn còn 10 cơ sở lò gạch thủ công và 5 cơ sở lò vòng vẫn chưa chấm dứt hoạt động hoặc chuyển đổi công nghệ phù hợp như công nghệ sản xuất gạch tuynel, gạch không nung để đảm bảo các tiêu chí môi trường. Các chủ cơ sở viện dẫn nhiều lý do chưa chấm dứt hoạt động như đây là nghề gia truyền, là nguồn sống chính của gia đình, không đủ điều kiện để chuyển đổi công nghệ mới hoặc chuyển sang ngành nghề khác…