Xã Ninh Xuân là một trong những địa phương có nghề làm gạch đất sét nung theo kiểu truyền thống của thị xã Ninh Hòa. Nghề này tạo nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương. Tuy nhiên, khi có chủ trương về việc chuyển đổi, chấm dứt hoạt động các lò gạch nung gây ô nhiễm môi trường sang hình thức gạch nung dùng công nghệ mới, chủ lò gạch, người lao động rất đồng tình.
Ông Mạc Vũ Tâm, chủ lò gạch ở xã Ninh Xuân cho biết, hai năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, lò gạch thủ công của gia đình ông phải hoạt động cầm chừng do nhu cầu xã hội không cao. Do đó, số tiền vay, mượn của người thân để cải tiến lò gạch truyền thống sử dụng than đá đốt gây ô nhiễm môi trường sang lò thủ công cải tiến từ năm 2017 đến nay vẫn chưa trả xong. Chính vì vậy, lò gạch của gia đình ông vẫn sản xuất để có thu nhập trả nợ.
Nhà nước có chủ trương di dời các lò gạch vào một khu quy hoạch, các chủ lò gạch đã có kế hoạch liên kết để xây dựng lò với công nghệ tiến tiến nhưng đến nay chưa thấy di dời, ông Mạc Vũ Tâm chia sẻ.
Không chỉ chủ lò, người dân xung quanh, công nhân làm việc tại các lò gạch cũng mong chủ trương chấm dứt hoạt động lò gạch đất sét nung gây ô nhiễm môi trường sớm hoàn thành, bởi chính họ là những người phải hứng chịu ô nhiễm mỗi ngày.
Hầu hết người dân địa phương đều đồng thuận với chủ trương của tỉnh Khánh Hòa. Tuy vậy, đến nay, việc thực hiện Chỉ thị số 22/2013/CT- UBND ngày 23/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến và lò đứng liên tục trên địa bàn thị xã Ninh Hòa vẫn chưa hoàn thành (các sản xuất gạch thủ công cần phải chấm dứt hoạt động trước năm 2020).
Ông Nguyễn Minh Thư, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Ninh Hòa thông tin, tại thời điểm thống kê theo Đề án 2109 của Ủy ban nhân dân tỉnh, trên địa bàn thị xã chỉ có 11 lò vòng, lò vòng cải tiến sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân các xã, phường, đến nay, không còn cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, còn 36 cơ sở (với 42 vỏ lò) đang hoạt động sản xuất gạch nung bằng lò vòng cải tiến sử dụng nhiên liệu đốt là bột cưa, mùn trấu, phế phụ phẩm nông nghiệp. Theo lộ trình, đến cuối năm 2020, các cơ sở lò gạch thủ công phải chấm dứt hoạt động (trong đó có 10 cơ sở nằm trong Đề án 2109 và 26 cơ sở mới nằm ngoài đề án). Tuy vậy, đến nay, chỉ có một cơ sở chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch bằng lò tuynel, 2 cơ sở đã chấm dứt hoạt động.
Thị xã gặp nhiều khó khăn trong việc chấm dứt các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Minh Thư cho biết, qua khảo sát, tổng số lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn là khoảng 1.200 người (trung bình 34 người/cơ sở), độ tuổi trung bình 40-45, không có nhu cầu đào tạo hỗ trợ nghề khi chấm dứt sản xuất gạch nung. Tuy nhiên, do công nhân lao động tuổi đã cao, quen với các công việc trong sản xuất lò gạch nên công tác đào tạo nghề sau khi các đối tượng này chấm dứt làm việc tại lò gạch thủ công là chưa phù hợp với thực tế.
Trong khi đó, kinh phí đầu tư lò vòng cải tiến của các cơ sở quá lớn (2 - 3 tỷ đồng/cơ sở) nhưng mức hỗ trợ tháo dỡ lò theo đề án là 20 triệu đồng/vỏ lò là quá thấp, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Hiện nay, khoảng 30% cơ sở có nhu cầu chuyển đổi công nghệ sản xuất cao hơn (tuynel, vật liệu xây dựng không nung) nhưng gặp khó khăn trong việc xin cấp phép khai thác nguyên liệu, chưa có văn bản hướng dẫn của các sở, ngành, trong khi quy định vẫn còn chồng chéo.
Mặt khác, Cụm công nghiệp Ninh Xuân đang trong quá trình triển khai, việc tập trung các cơ sở sản xuất gạch vào cụm công nghiệp chưa thực hiện được.
Nhiều việc không có hướng dẫn của cấp trên như công nghệ làm lò gạch mới, khai thác mỏ nguyên liệu để làm gạch. Mặc dù quy hoạch vùng nguyên liệu trên địa bàn thị xã đã có, song việc các hộ kinh doanh xin giấy phép không dễ dàng..., ông Nguyễn Minh Thư trăn trở.
Về giải pháp, ông Nguyễn Minh Thư khẳng định, ngoài công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất gạch thực hiện theo chủ trương của Nhà nước, các địa phương có lò gạch đang hoạt động tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, vận chuyển nguyên liệu sản xuất đất nông nghiệp trái phép và không để tình trạng đầu tư, cơi nới, mở rộng cơ sở sản xuất...
Ủy ban nhân dân thị xã kiến nghị các ngành Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng hướng dẫn việc cấp phép khai thác khoáng sản, cấp phép chuyển đổi sang sản xuất gạch bằng công nghệ tuynel cho tổ chức, cá nhân đủ điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh sớm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa...