Một điểm khai thác đất sét tạo thành hố sâu 5-6 mét, gây sạt lở đất hàng chục mét, ăn sâu vào kênh tưới của hồ chứa nước Đăk Yên. |
Bước vào vụ đông xuân 2017-2018, tuyến kênh tưới chính dài 6,7 km của hồ chứa đang bị đe dọa bởi tình trạng người dân khai thác đất sét làm gạch thủ công.
Theo số liệu từ Ban Quản lý đầu tư và khai thác các công trình thủy lợi Kon Tum, tại khu vực Cụm công nghiệp sản xuất gạch ngói ở thôn 5, xã Hòa Bình do Trung tâm phát triển cụm công nghiệp thành phố quản lý hiện có 3 vị trí bị sạt lở nghiêm trọng tại Km1+60m, Km1+250m và Km0+250m, trong đó có 1 điểm việc sạt lở đã xâm nhập vào sát kênh tưới.
Tại hiện trường nơi có vị trí sạt lở lớn nhất, một hố nước rộng, sâu từ 5-6 mét, bờ đất đã sạt lở tới kênh tưới. Đoạn sạt lở dài hàng chục mét, âm xuống dưới chân kênh tưới và ăn sâu vào trong.
Để chống sạt lở, lực lượng chức năng đã phải dùng bao đất kè lại, bên ngoài đóng cọc chống sạt; tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Theo ông Nguyễn Gia Minh Tuệ, cán bộ địa chính xã Hòa Bình, với hố nước sâu, sạt lở sát kênh tưới, xã không đủ kinh phí để khắc phục.
Toàn khu vực, bên ngoài địa điểm sạt lở, khi phóng viên đến, tình trạng khai thác đất sét diễn ra công khai. Cách điểm sạt lở khoảng 50 mét, người dân khai thác đất sét bằng máy múc, có 5 xe tải lớn (loại Kamat) đang đợi chở đất. Thấy phóng viên, cả 5 xe đã bỏ chạy. Tại hiện trường, một hố sâu lớn, cách bờ kênh tưới chính của hồ chứa nước Đăk Yên chỉ khoảng 5 mét.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Trưởng phòng kỹ thuật Ban Quản lý đầu tư và khai thác các công trình thủy lợi Kon Tum cho biết, người dân đã đào đất ngoài vị trí phạm vi hành lang bảo vệ công trình. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng, do người dân đào sâu, đất sạt lở vào sát bờ kênh.
Khi phát hiện sự việc, Ban đã phối hợp với UBND xã Hòa Bình tuyên truyền người dân không được đào đất sét sát bờ kênh và không được đào sâu gây sạt lở bờ kênh. Đồng thời chủ động dùng bao đất và cọc để kèo, đắp chống sạt lở thêm, đảm bảo phục vụ dẫn nước tưới phục vụ vụ đông xuân 2017-2018. Hiện một số vị trí, người dân đào sát bờ kênh và đào quá sâu khi gặp mưa lớn sẽ làm sạt lở bờ kênh, có nguy cơ làm gãy kênh và ảnh hưởng đến an toàn của tuyến kênh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nguồn đất sét tại chỗ để làm gạch thủ công tại khu vực trên đã cạn. Thời gian qua, một số hộ có lò nung gạch đã cấu kết, thỏa thuận với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn đất sét ở ruộng lúa để khai thác.
Ông Phạm Phước - Chủ tịch UBND xã Hòa Bình (thành phố Kon Tum) thừa nhận, một số đối tượng lợi dụng khai thác đất sét tại chỗ, khai thác lấn sát vào kênh tưới, làm ảnh hưởng đến một số tuyến kênh tưới của hồ Đăk Yên.
“Vừa qua đoàn liên ngành của thành phố đã kiểm tra, vận động dân không được khai thác đất sét gần các tuyến kênh mương. UBND xã đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để xử lý kịp thời những đối tượng cố tình khai thác vùng đất sét này. Bên cạnh đó, UBND xã đề nghị với thành phố cũng như cơ quan chức năng kiểm tra tuyến kênh và kịp thời tu sửa để không ảnh hưởng đến công trình hồ chứa nước Đăk Yên”, ông Phạm Phước khẳng định.
Khu vực Cụm công nghiệp sản xuất gạch ngói ở thôn 5 xã Hòa Bình đã bị nghiêm cấm khai thác đất sét. Tháng 9/2017, UBND xã Hòa Bình cũng đã thành lập tổ kiểm tra, kiểm soát các điểm khai thác khoáng sản trên địa bàn. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng khai thác vẫn diễn ra công khai với phương tiện khai thác hiện đại bằng máy múc, xe ben vận chuyển.
Liên quan đến vụ việc, UBND thành phố Kon Tum đã có văn bản (số 24/BC-VP) chỉ đạo xã Hòa Bình chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra việc khai thác đất làm gạch thủ công gây hư hỏng tuyến kênh chính công trình hồ chứa Đăk Yên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.