Tuy nhiên, các cấp chính quyền địa phương vẫn chưa xác định đưa cây chanh dây vào cơ cấu cây trồng chính để phát triển mà còn khuyến cáo cho nông dân hãy cẩn trọng trong việc mở rộng diện tích ồ ạt loại cây trồng này như hiện nay.
Ông Phạm Ngọc Cơ - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mang Yang cho biết, cây chanh dây trên địa bàn huyện đang phát triển đến "chóng mặt", bình quân mỗi năm tăng khoảng 100 ha và hiện nay đã có xấp xỉ 400 ha - nhiều nhất so với các địa phương khác trong tỉnh. Trước mắt, những nông hộ trồng cây chanh dây đang có thu nhập "khủng" song vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra. Đó là, thị trường tiêu thụ sản phẩm chanh dây chưa ổn định và đang ở dạng hẹp (duy nhất chỉ có thị trường Trung Quốc), hơn nữa, số lần phun thuốc trừ sâu trong năm quá dày và liều lượng lớn mới giữ được trái xanh tươi để bán được giá, làm ảnh hưởng đến môi trường chung quanh và làm chai cằn quỹ đất canh tác.
Thời gian gần đây, nông dân tỉnh Gia Lai ồ ạt trồng cây chanh dây. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN |
Chanh dây là loại cây "ăn liền" chỉ sau 6 tháng trồng, phù hợp với điều kiện của nông dân. Mỗi hecta cho năng suất bình quân 80 tấn/năm và cho mức thu nhập khoảng từ 500 - 600 triệu đồng (năm thứ 1), từ 300 - 400 triệu đồng (năm thứ 2) sau khi đã trừ đi các khoản chi phí đầu tư. Nhiều nông hộ sau vài ba năm trồng cây chanh và đã trở thành tỷ phú.
Trước mắt, tỉnh đang xây dựng vùng nguyên liệu loại cây trồng này khoảng 3.000 ha, trong đó sản xuất nông hộ có 1.300 ha tại địa bàn các huyện; diện tích còn lại 1.700 ha liên kết với các doanh nghiệp trồng cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Tỉnh cũng đã chấp thuận đề nghị và cho phép Công ty Cổ phần NaFoods Group trụ sở tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cây chanh leo gắn với xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm trên địa bàn. Theo đó, công ty có trách nhiệm ký kết hợp đồng đầu tư, thu mua, bao tiêu 100% nguyên liệu sản phẩm theo giá thị trường; khi giá xuống thấp phải hỗ trợ giá nhằm đảm bảo người trồng chanh leo không bị thua lỗ.
Tiếp cận một số hộ trồng chanh dây trên địa bàn huyện Mang Yang chúng tôi ghi nhận được những điều "lợi bất cập hại". Các vườn cao su đang còn trong thời kỳ kiến thiết cơ bản đều bị chặt hết nhánh phủ tán, chỉ còn trơ lại thân cây để trồng xen cây chanh dây và như vậy, vườn cây cao su này coi như đã bị phá bỏ bởi không thể phát triển được nữa. Trong các vườn tiêu bị sâu bệnh và có khả năng phục hồi song cũng được căng dây để trồng xen cây chanh dây, vườn tiêu không thể phục hồi và coi như cũng bị "xóa sổ". Rồi mùi thuốc trừ sâu tỏa khắp vùng, rất khó chịu; những người làm công cho các nông hộ đều cho biết, cứ bình quân 10 - 15 ngày phun một lần thuốc chống sâu bệnh. Công thu hái chỉ 120.000 đồng/ngày và người làm được lo cơm ngày 2 bữa, còn những người trực tiếp phun thuốc trừ sâu thì giá cao hơn đến 350.000 đồng/ngày nhưng cũng rất khó tìm người để làm.