Theo tín ngưỡng dân gian Nam Bộ nói chung, ngư dân đi biển nói riêng, bên cạnh việc cúng cá Voi bị chết trôi dạt vào bờ (còn gọi là lễ hội nghinh ông); lễ cúng bà Thủy Long (còn gọi là công chúa Thủy tề, Bà - Cậu…); Lễ Tống gió, tống ôn (còn gọi là lễ nghinh phong); ngư dân vùng Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) còn tổ chức lễ cúng phước biển rất hoành tráng với mục đích tạ ơn biển cả đã ban cho con người nguồn hải sản vô tận và cầu mong một mùa đi biển mới trời yên biển lặng, vạn sự bình an, đánh bắt được nhiều hải sản. Đây là một trong những lễ hội dân gian lớn nhất ở Vĩnh Châu hình thành hơn 300 năm nay.
Những đoàn tàu đến tham gia lễ hội. |
Ông Hà Bạch, 50 tuổi, ngụ xã Vĩnh Hải, TX Vĩnh Châu, ngư dân tại biển Vĩnh Châu đã 30 năm kể rằng “…đây là tục lệ do ông bà truyền lại cho con cháu qua nhiều thế hệ, trước đây có nhiều ghe đánh bắt xem thường, không cúng biển dẫn đến bị tai nạn trên biển, có ghe bị thất mùa đánh bắt liên tục, “bạn ghe” bị ốm đau, từ đó không ngư dân nào dám xem thường tục cúng phước biển nầy nữa…( ?)”.
Nhiều người dân sống ven biển cho rằng: Tục cúng phước biển còn để tạ ơn đất đai vương trạch, thần hoàng bổn cảnh, cửu huyền thất tổ, những tiền nhân đã có công khai hoang mở cõi, những vị thần biển, thần mây, thần gió và thần trấn giữ các bãi bồi đã cho họ những cánh đồng phù sa màu mỡ. (?)
Có nhiều giả thiết về sự ra đời của tục lệ cúng phước biển Vĩnh Châu nhưng đại đa số người dân ở đây đều cho rằng: Người khởi nguồn tục lệ này là nhà sư người Khmer có tên Tà Hu. Ban đầu ông dựng ngôi tháp nhỏ trên giồng cát gần chùa Cà Săng (Srei Krosang) tọa lạc tại ấp Cà Lăng A, xã Vĩnh Châu (nay là phường 2, TX Vĩnh Châu) để làm lễ cầu siêu tưởng nhớ những người đã mất để đồng bào phật tử đến thắp hương, thành tâm chiêm bái. Sau đó tục lệ này ngày càng phát triển về qui mô thu hút rất nhiều người cùng tham gia, đặc biệt là các chủ tàu đánh bắt trên biển và nhiều người dân khác. Từ đó, lễ cúng phước biển trở thành lễ hội truyền thống của không chỉ người Khmer mà cả người Việt lẫn người Hoa sinh sống quanh vùng này và thu hút nhiều du khách khắp các địa phương đến tham quan lễ hội.
Ông Thạch Niêu, 77 tuổi, Trưởng ban tổ chức lễ hội này kể lại “…lễ hội diễn ra trong hai ngày hai đêm (ngày 14 và 15/2 âm lịch) tại ấp Đôn Chết do chùa Cà Săng chủ trì với nhiều nghi thức truyền thống và các hoạt động văn hóa, thể thao rất hấp dẫn, gần đến ngày lễ, nhà nhà chuẩn bị rất nhiều thức cúng, trai gái chuẩn bị tham gia các chương trình văn nghệ, thể thao rất rôm rả…”.
Ông Niêu kể: Khi bắt đầu hành lễ, mọi người rước tượng Phật từ chùa Cà Săng đến điểm làm lễ, nơi đã dựng sẵn một cái rạp dài 18 m, ngang 8 m. Tiếp đến là lễ cầu siêu tưởng nhớ công ơn những người đã mất, tụng kinh cầu quốc thái dân an và thỉnh pháp sư (Acha) thuyết pháp cho bà con. Đêm thứ hai các nghi thức diễn ra tương tự nhưng có thêm lễ “an vị Phật”. Về phần hội thường là các trò chơi dân gian của dân tộc Khmer như: đua bò, kéo xe, đẩy xiệp, thi lượm củ hành, đặc biệt là đua ghe ngo trên cạn…
Giàn nhạc ngủ âm phục vụ lễ. |
Cạnh đó là nhiều tiết mục văn nghệ truyền thống như: múa gà, múa khỉ, hòa tấu nhạc ngũ âm, hội thi giọng hát hay, thi đấu bóng đá, bóng chuyền, bi sắt, kéo co, thả diều, nhảy bao, đẩy gậy… Thu hút nhất vẫn là trò chơi đua ghe ngo trên cạn. Người chơi phải điều khiển ghe ngo bằng một cái vòng làm bằng bẹ chuối dài chừng 2 m, cứ 2 người một ghe. Một người có dây gióng mang lên cổ, người kia cầm cây dằm bằng cọng tàu lá chuối, vừa chèo khắp thửa ruộng theo lộ trình tùy hứng, vừa múa vừa hát nói theo lời cầu khấn nối tiếp nội dung cầu mong ông trời cho mưa thuận gió hòa, người dân làm ăn tấn tài, tấn lộc, không xuất hiện dịch bệnh hay thiên tai.
Lễ hội cúng phước biển Vĩnh Châu tuy chỉ diễn ra trong hai ngày nhưng từ lâu đã trở thành loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là một sân chơi giải trí lành mạnh của người dân địa phương, thắt chặt tình đoàn kết giữa ba dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa đang sống trong vùng đất xứ biển Vĩnh Châu, góp phần bảo vệ nét truyền thống văn hóa vốn có tự trăm năm.