Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội thảo. |
Đáng chú ý, với đề xuất nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học các nhà quản lý, giáo viên giảng dạy bậc học này đều đưa ra ý kiến cần có lộ trình phù hợp.
Như Báo Tin tức đã đưa tin,
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành do Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ vừa trình Chính phủ đề xuất nhiều quy định mới. Trong đó đáng chú ý nhất là đề xuất về tiền lương cho giáo viên và miễn học phí cấp Trung học cơ sở (THCS).
Hội thảo Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Bộ GD-ĐT tại trường ĐH Thái Nguyên là 1 trong 5 Hội thảo góp ý được tổ chức trong thời gian tới trước khi trình Chính phủ. Tại đây, các vấn đề “nóng” của giáo dục được bàn thảo từ góc độ thực tế với ý kiến của các lãnh đạo 11 Sở GD-ĐT cùng các hiệu trưởng, nhà giáo cốt cán đến từ các cơ sở giáo dục thuộc các tỉnh phía Bắc tham dự hội thảo.
Tăng lương giáo viên, miễn học phí là phù hợp thực tiễnĐóng góp ý kiến vào dự thảo, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ Nguyễn Thị Thu Huyền khẳng định: Đề xuất lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp là hoàn toàn phù hợp vì Nghị quyết số 29 cũng quy định điều đó, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đội ngũ nhà giáo. Tăng lương không chỉ giúp giáo viên tâm huyết, gắn bó với nghề mà còn thu hút sinh viên giỏi vào sư phạm. Như vậy, nâng cao được chất lượng đầu vào, đội ngũ nhà giáo. Trong thực tế hiện nay, khi giáo viên ra trường, bậc lương cao đẳng là 3,5 triệu đồng/tháng, đại học 4 triệu đồng/tháng, như vậy là rất thấp, trong khi giáo viên là nghề đặc thù, rất vất vả không chỉ giáo viên ở vùng khó khăn mà ngay cả khu vực thành phố.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Kạn Sầm Văn Du. |
Đóng góp vào dự thảo luật, theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Kạn Sầm Văn Du cho rằng: Trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung, tôi và cán bộ, giáo viên toàn ngành đã nghiên cứu, tìm hiểu. Ban Giám đốc đã trao đổi, hoàn toàn nhất trí. Nội dung mới ngành giáo dục và đào tạo Bắc Kạn cũng quan tâm là vấn đề tiền lương giáo viên, miễn học phí cho học sinh THCS rất tốt, thiết thực, nhất là học sinh miền núi. Học sinh miền núi rất nghèo, nếu được miễn học phí người dân sẽ yên tâm, tạo điều kiện con em mình đến trường đông đủ hơn.
Theo ông Du, việc tăng tiền lương sẽ tạo động lực cho giáo viên tâm huyết, gắn bó với nghề, từng bước khắc phục tình trạng tuyển sinh ngành sư phạm có điểm thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng vẫn không thu hút được người học.
Trao đổi, góp ý vào dự thảo luật với góc độ là nhà giáo, cô giáo Đỗ Thị Lan Hương, Trường THCS Kỳ Lâm, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang chỉ ra những khó khăn trong việc thu học phí trong thời gian qua tại địa phương khi cho biết, nhà trường thất thu học phí hàng trăm học sinh mặc dù mức học phí là 50.000 đồng/học sinh/tháng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó, nhưng nguyên nhân chính là do nhiều gia đình học sinh còn khó khăn, nhiều em bố mẹ đi làm ăn xa cho nên trường không thu được học phí. Như vậy, việc miễn học phí tới cấp THCS cũng là góp phần giảm bớt khó khăn của chính các trường.
Cũng liên quan tới việc miễn học phí tới cấp THCS, nhiều ý kiến cho rằng cần tính toán phần hụt ngân sách của các trường.
Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Nguyên đưa ra đề xuất: Việc miễn học phí thì để thuận lợi cho các nhà trường thì chúng ta phải có quy định làm sao cho đỡ khó cho nhà trường. Miễn học phí thì phần thu học phí bị giảm bởi hiện nay tỉ lệ là 40-60, nhà trường được 60% các khoản thu từ học phí do đó miễn học phí là nhà trường giảm thu. Theo cơ chế phân bổ các nhà trường là cứ 18-82 (18 chi cho hoạt động GD, 82% chi thường xuyên). Đây là câu chuyện cần tính trước, đưa vào văn bản để các nhà trường không thiếu hụt nguồn ngân sách nếu không muốn giúp nhà trường, muốn giúp giáo dục nhưng lại gây khó khăn cho hoạt động của các trường.
Nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học cần có lộ trìnhPhó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ Nguyễn Thị Thu Huyền cũng cho rằng, cần điều chỉnh một số nội dung phù hợp thực tiễn trong đó có nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ. |
Cụ thể, tính đến năm học 2016-2017, giáo viên tiểu học có trình độ trên chuẩn mới đạt 86,7%. Như vậy, nếu không có giải pháp nâng trình độ giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng sẽ khó đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục vì giáo viên là lực lượng then chốt, quyết định đổi mới giáo dục.
Trong khi đó, ông Đặng Hồng Cường, đại diện Sở GD-ĐT Lạng Sơn cũng đồng tình với dự thảo nói trên. Sở GD-ĐT Lạng Sơn xác định, việc nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học từ trình độ trung cấp lên cao đẳng là cần thiết, phù hợp. Về tiền lương, cán bộ, giáo viên trong ngành mong chờ từ lâu, thể hiện đúng nguyện vọng. Việc miễn học phí bậc học THCS, sở đồng tình để làm tốt công tác phổ cập, phân luồng học sinh.
Xung quanh đề xuất nâng chuẩn trình độ gắn bó chặt chẽ với chính sách tiền lương, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Đức Hữu khẳng định, nếu không nâng chuẩn trình độ giáo viên thì không biết bao giờ mới nâng được, nhất là trong Nghị quyết 29 và Nghị quyết 88 có yêu cầu nâng cao trình độ giáo viên.
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Đức Hữu. |
Tính tháng 9/2017, có 33/63 tỉnh, thành phố trình độ giáo viên tiểu học đạt trình độ cao đẳng (chiếm tỷ lệ 90%). Trong đó, một số tỉnh, thành phố đạt cao như Quảng Ninh, Hải Phòng; Tuyên Quang là tỉnh đạt thấp nhất gần 64% giáo viên tiểu học có trình độ trung cấp. Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn các địa phương nâng cao trình độ giáo viên cho phù hợp thực tiễn, nhất là những nơi có điều kiện khó khăn.
Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2009 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động giáo dục; góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước.
Tuy nhiên, thực tiễn quá trình thực hiện Luật Giáo dục đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện do yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và khắc phục những bất cập của Luật Giáo dục hiện hành. Hiện nay, một số nội dung chính sách và điều khoản của Luật đã không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển giáo dục theo định hướng mở, liên thông, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Một số nội dung cơ bản của hệ thống giáo dục được quy định trong Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi và bổ sung để hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn thi hành.