Bà Nguyễn Thị Phúc - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho biết: Sau 5 năm triển khai thực hiện, Luật Giáo dục đại học đã dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước yêu cầu mới của thực tiễn tổ chức và hoạt động giáo dục đại học trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Vì vậy việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học là hết sức cần thiết. Dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) gồm 6 chương và 73 điều, tập trung vào những vấn đề lớn về phát triển hệ thống giáo dục đại học, vấn đề về quản trị và tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học, quản lý Nhà nước về giáo dục đại học…
Theo ông Mai Hữu Cường - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận, việc sửa đổi, bổ sung Luật phải tạo hành lang pháp lý cho giáo dục đại học phát triển, hướng đến mục tiêu quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng có sức khỏe, trí tuệ, có đạo đức, kỷ luật, có năng lực thực tiễn…, góp phần phát triển văn hóa, tri thức khoa học, đáp ứng nhu cầu của người học, của Nhà nước và các bên liên quan trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế…
Góp ý về vấn đề tự chủ đại học, ông Mai Hữu Cường cho rằng tự chủ giáo dục là vấn đề quan trọng, tuy nhiên không nên quy định chi tiết vấn đề này vào trong Luật mà nên quy định trong văn bản dưới Luật hoặc thông tư hướng dẫn cụ thể. Nhiều đại biểu đồng tình với ý kiến này.
Các đại biểu đề nghị quy định rõ nội dung, mức độ, lộ trình, điều kiện đảm bảo thực hiện quyền tự chủ trên tất cả các mặt về: học thuật, tài chính, tổ chức và nhân sự gắn với trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị đại học phù hợp với điều kiện, năng lực của từng cơ sở giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, quy định rõ việc kiểm định và công khai chất lượng đào tạo, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để tạo tính đồng bộ trong triển khai tự chủ đại học một cách thực chất…
Về cơ cấu tổ chức và quản trị của cơ sở giáo dục đại học, các đại biểu đề nghị quy định rõ vị trí pháp lý của Hội đồng trường và làm rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, mối quan hệ giữa Hội đồng trường với các thiết chế khác…
Một số đại biểu đề nghị không phân biệt về cơ cấu tổ chức của trường công lập và trường tư thục, đồng thời cân nhắc việc cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tự quyết định về cơ cấu tổ chức…
Một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chưa quan tâm và quy định cụ thể về vấn đề liên thông từ hệ thống giáo dục nghề nghiệp lên đại học. Nếu Luật có quy định cụ thể thì người học sẽ yên tâm hơn và lựa chọn vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng trên thực tế các trường đại học, cao đẳng đã có nhiều chương trình đào tạo liên kết cả trong nước lẫn quốc tế nhưng hiện nay trong dự thảo vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề liên kết đào tạo giữa các trường đại học. Luật không nên quy định cụ thể loại hình, hình thức đào tạo bởi theo xu hướng quốc tế ngày càng có nhiều hình thức, loại hình đào tạo mới vì vậy nên có thông tư hướng dẫn riêng.
Các ý kiến góp ý sẽ được đoàn đại biểu Quốc hội tiếp thu và tổng hợp, báo cáo trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trong kỳ họp tới.