Nghề giáo vốn là nghề cao quý trong xã hội. Ảnh: TTXVN
|
Thực trạng này đòi hỏi ngành giáo dục và đào tạo cần chú trọng hơn nữa tới vấn đề ứng xử, giao tiếp trong môi trường sư phạm. Người thầy không chỉ thực hiện vai trò truyền thụ kiến thức mà thực sự là những “kỹ sư tâm hồn”, góp phần quan trọng trong hình thành nhân cách, đạo đức cho các thế hệ học trò.
Những "con sâu làm rầu nồi canh"
Ghi nhận từ thực tế, các chuyên gia giáo dục cho rằng, nhiều trường hợp giáo viên giao tiếp ứng xử kém khiến niềm tin và sự tôn trọng nhất định của xã hội dành cho ngành giáo dục và đào tạo bị giảm sút. Đồng thời, các sự việc "không đẹp” của ngành giáo dục thời gian qua cũng tác động lớn đến tâm trạng của những người trong ngành.
Trước những vấn đề tiêu cực về ứng xử trong môi trường học đường xảy ra thời quan qua, nhóm tác giả của Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh đã thực hiện cuộc khảo sát ở một nhóm sinh viên sư phạm và giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố. Kết quả khảo sát cho thấy, đa số sinh viên, giáo viên cảm thấy lo lắng, hoang mang về sự an toàn trong công việc; đồng thời họ cũng cảm thấy bức xúc, muốn cải tiến ngành giáo dục để điều chỉnh nhận thức của xã hội về nghề giáo. Nhóm tác giả nhận định, điều này có thể ảnh hưởng đến động lực phấn đấu trở thành nhà giáo mẫu mực trong tương lai.
Điều đáng quan tâm trong cuộc khảo sát này là trong số khoảng 200 sinh viên ngành sư phạm, có tới 26,5% sinh viên "cảm thấy bình thường vì những việc này tồn tại lâu rồi".
Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (thành viên nhóm tác giả) cho rằng, suy nghĩ này thực sự đáng ngại, phản ánh sự thất vọng của chính một bộ phận sinh viên sư phạm về tư cách, tác phong của người thầy.
Nhiều giáo viên cho rằng dù biết mỗi sự việc chỉ là “hạt sạn”, nhưng giáo viên không khỏi chạnh lòng, còn dư luận thì lên án sự xuống cấp của ngành giáo dục và đào tạo. Nhìn nhận thực tế đáng buồn này, cô Nguyễn Thị Hoa Hồng, giáo viên Trung học phổ thông Nguyễn Du (Quận 10) chia sẻ, là giáo viên, cô rất buồn và bức xúc, còn với vai trò là một phụ huynh cô lại hoang mang và lo lắng về sự an toàn của con ở trong trường học.
Dẫn đến thực trạng trên, theo cô Nguyễn Thị Hoa Hồng, hiện nay không ít giáo viên còn thiếu kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Một số giáo viên còn quan niệm thầy cô phải là số một, thầy cô luôn đúng, có người còn áp đặt, đe nẹt học sinh khi học sinh có sự phản biện. Bên cạnh đó, nhiều thầy cô cũng thiếu tôn trọng, đồng cảm với học sinh. Chính những quan điểm đó dẫn đến sự việc một số thầy cô thiếu sự kiềm chế, điềm tĩnh cần thiết trong quá trình giảng dạy nên đã có những hành xử không đúng mực.
Cô Nguyễn Thị Hoa Hồng cũng khẳng định, những sự việc xảy ra trong thời gian qua chỉ là cá biệt, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành; trong khi rất nhiều thầy cô vẫn đang ngày đêm âm thầm, miệt mài vì học sinh, vì sự nghiệp giáo dục.
Đồng quan điểm, thầy Trần Hữu Tùng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đoàn kết (Quận 6) cho rằng, những hành động "không đẹp" trong ngành giáo dục xảy ra thời gian qua chỉ những “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhìn chung, đội ngũ giáo viên trong ngành rất tâm huyết với nghề. Ban giám hiệu nhà trường cần thường xuyên nhắc nhở giáo viên trong trường phải giữ chuẩn mực trong ứng xử, giao tiếp với học sinh. Đồng thời, nhà trường cũng luôn lắng nghe tiếng nói của học sinh để có thể điều chỉnh phù hợp về môi trường, phương pháp học tập chứ không áp đặt.
Khẳng định vị thế người “kỹ sư tâm hồn”
Theo ông Đặng Đức Hoàng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 11, người thầy góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách đạo đức cho người học, dạy chữ đi đôi với dạy người. Vì vậy, nhà giáo không được phép bộc lộ thái độ, cảm xúc tiêu cực trên bục giảng vì điều đó không thể đem lại niềm tin cho học trò, thậm chí gây ra những cảm xúc tiêu cực. Đề cập đến một mặt khác của vấn đề, ông Đặng Đức Hoàng cho rằng cũng cần nhìn nhận thực tế rằng với đồng lương còn eo hẹp khiến giáo viên phải đối mặt với nhiều áp lực đảm bảo đời sống, ảnh hướng đến tâm lý người dạy dễ xảy ra những xung đột khi lên lớp nếu gặp tình huống không mong muốn. Vì vậy, để chuyên tâm công tác thì trước hết đời sống vật chất, tinh thần của giáo viên cần được đảm bảo.
Dưới góc độ nghiên cứu, đào tạo đội ngũ giáo viên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: Người thầy còn được ví như một “kỹ sư tâm hồn” khơi gợi niềm cảm hứng cho học trò hay “người lái đò” chăm chút trong mỗi giờ giảng một cách tỉ mỉ và đầy trách nhiệm, chứ không đơn thuần là một “thợ dạy”. Trong môi trường giáo dục, giao tiếp ứng xử đối với học sinh là yếu tố quan trọng để khẳng định vai trò của một “kỹ sư tâm hồn”, bởi bản chất của dạy học là một quá trình giao tiếp, tương tác giữa giáo viên và học sinh.
Thời gian qua, việc trang bị kỹ năng sư phạm cho sinh viên trong các trường Sư phạm đã được chú trọng nhiều hơn. Điển hình như tại Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, trước đây, môn “Giao tiếp ứng xử sư phạm” chỉ là môn tự chọn. Nhưng nhận thấy tầm quan trọng của môn học này, từ năm học 2015 - 2016 đến nay, "Giao tiếp ứng xử sư phạm" đã trở thành môn chung, bắt buộc trong toàn trường.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thích ứng với thực tế thì trường sư phạm cần đầu tư hơn nữa đến việc trang bị cho sinh viên, bồi dưỡng cho giáo viên về kỹ năng giao tiếp, ứng xử sư phạm. Không chỉ chương trình chính quy mà các hệ cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hoặc hệ đào tạo văn bằng 2 sư phạm với các đối tượng ngoài ngành cũng cần phải đưa môn học Giao tiếp ứng xử sư phạm vào chương trình bắt buộc.
Ở góc độ học sinh, em Mai Hải Yến, học sinh lớp 9/6, Trường Trung học cơ sở Đoàn Kết (quận 6) mong muốn thầy cô không chỉ truyền đạt kiến thức mà gần gũi hơn, hiểu tâm lý lứa tuổi học sinh và quan tâm chia sẻ tâm tư tình cảm học sinh hơn. Em Hải Yến cho rằng, nếu giáo viên và học sinh gắn kết, tương tác cùng nhau nhiều hơn thì những sự việc đáng tiếc có lẽ sẽ không xảy ra.
Dù băn khoăn và lo lắng khi xuất hiện nhiều bất cập trong ngành giáo dục, nhưng chị Ngọc Hạnh, phụ huynh học sinh ở quận 10 luôn tin rằng đó không phải là toàn bộ ngành giáo dục và đào tạo. Đồng thời, chị Hạnh cũng mong muốn con em mình sẽ có được môi trường học tập an toàn, phát triển lành mạnh; một môi trường mà ở đó con em mình không chỉ được tiếp thu trí tuệ, phát triển thể lực mà còn được rèn luyện đạo đức và những phẩm chất tốt đẹp của người học sinh.