Chính phủ đã đặt quyết tâm rất cao cho việc phát triển quỹ nhà ở xã hội với kỳ vọng tình trạng này sẽ được cải thiện. Nhu cầu thì cao nhưng khả năng đáp ứng lại chưa nhiều, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Nhu cầu về nhà ở của các gia đình, đặc biệt là với những người thu nhập thấp, người nghèo không đủ điều kiện tài chính để mua nhà rất lớn. Nhờ các cơ chế ưu đãi của nhà nước, nhà ở xã hội với giá bán hợp lý được xem như một cứu cánh giúp họ đạt ước mơ có ngôi nhà và cải thiện cuộc sống.
Trong 5 năm qua, chúng ta mới chỉ đáp ứng được 37% nhu cầu đối với các đối tượng thu nhập thấp tại đô thị, công nhân lao động ở các khu công nghiệp so với kế hoạch đặt ra. Như vậy là vẫn còn thiếu rất lớn.
Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu phản ánh khó khăn từ các địa phương tập trung ở khâu quỹ đất và vốn. Vậy hai vấn đề này cần phải được khắc phục ra sao, thưa ông?
Đây đúng là những vấn đề rất quan trọng. Về mặt pháp luật, cả hai yếu tố đất và tài chính đều được quy định cụ thể. Về đất xây dựng nhà ở xã hội, Luật Nhà ở và Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, đã quy định các dự án nhà thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội. Đối với các đô thị, có thể bố trí riêng các khu nhà ở xã hội ngoài quỹ đất trên. Còn với công nhân khu công nghiệp thì Chính phủ cũng quy định đối với các khu công nhiệp mà chưa sử dụng hết quỹ đất công nghiệp thì cho phép chuyển đổi quỹ đất công nghiệp sang thành đất ở, để thành những khuôn viên, dự án riêng, xây dựng nhà ở cho công nhân.
Từ năm 2013 - 2016, Nhà nước thực hiện hỗ trợ nhà ở xã hội thông qua gói tín dụng ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tới cuối năm 2016, gói hỗ trợ này đã kết thúc. Hiện nay, điều khó khăn nhất là tìm được nguồn vốn hỗ trợ để giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người có nhu cầu về nhà ở được vay nguồn vốn ưu đãi, để giảm giá thành nhà ở.
Thời điểm này, về cơ chế và chính sách đã quy định nhà nước hỗ trợ ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội và các ngân hàng thương mại do nhà nước chỉ định. Về nguyên tắc, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã nhận nhiệm vụ này và có quy định cụ thể. Các ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định cụ thể. Lãi suất cũng được Thủ tướng Chính phủ quy định.
Tuy nhiên, nguồn vốn hiện nay phụ thuộc vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, bởi lẽ đầu tư từ ngân sách nhà nước thì phải thực hiện theo Luật Đầu tư công, phải nằm trong danh mục, chương trình, dự án được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì mới được vay nguồn vốn này. Vừa qua Quốc hội cũng thông qua kế hoạch tổng thể về vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, nhưng đối với từng lĩnh vực, địa bàn, chương trình, dự án cụ thể, thì phải đợi đầu năm 2017 mới có quyết định chính thức.
Trên thực tế đã có một số mô hình nhà ở xã hội khá thành công như Đặng Xá (Hà Nội) của Viglacera, Becamex (Bình Dương)... Sức hấp dẫn của các dự án này chính là nhà giá rẻ nhưng chất lượng vẫn tốt. Vậy, làm thế nào để duy trì mục tiêu này ở các dự án nhà ở xã hội trong tương lai, thưa ông?
Để có được quỹ nhà vừa chất lượng, vừa có giá hợp lý, giá rẻ thì phải có ba yếu tố chính. Đơn cử như tại Bình Dương, phải có quyết tâm chính trị của Đảng, chính quyền tỉnh. Bình Dương đã có đề án để xây dựng quỹ nhà ở này. Becamex Bình Dương là doanh nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương cộng với quyết tâm rất cao của tỉnh đã đem đến thành công trong phát triển nhà ở cho công nhân. Đặc biệt, Bình Dương đã tạo được quỹ đất sạch cho dự án để giao cho Becamex Bình Dương đầu tư nhà ở. Không những thế, chính quyền tỉnh còn có nguồn vốn rất lớn hàng nghìn tỷ đồng để giao cho doanh nghiệp triển khai, thực hiện dự án. Như vậy, hội tụ đủ cả 3 yếu tố: Quyết tâm, quỹ đất, tài chính thì sẽ làm được dự án nhà ở xã hội thành công như tại Bình Dương.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn như Vingroup, Mường Thanh lên tiếng về việc tham gia xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ dù lãi suất không nhiều cũng là một động thái rất tốt cho phân khúc thị trường này. Tuy nhiên, thủ tục đầu tư xây dựng, thủ tục hành chính, những quy định của pháp luật được thực thi tại địa phương cần phải công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Như vậy, cùng với cơ chế ưu đãi, các chính sách pháp luật hiện có mới có thể thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Xin trân trọng cảm ơn ông!