Khu tái định cư Đồng Tàu, quận Hoàng Mai. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Chất lượng nhà ở được quyết định bởi các yếu tố cơ bản như: chất lượng xây dựng, chất lượng hoàn thiện, hệ thống trang thiết bị, điều kiện hạ tầng, dịch vụ quản lý vận hành…. Do đó, việc quy định cho phép xây dựng căn hộ có diện tích vừa và nhỏ (tối thiểu 25 m2) không phải là nguyên nhân hình thành các khu nhà ở chất lượng kém như dư luận lo lắng - Bộ Xây dựng khẳng định.
Theo Cục quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, quy định trước đây (tại khoản 1, Điều 40 Luật Nhà ở 2005), "Nhà chung cư phải thiết kế căn hộ khép kín, có diện tích sàn xây dựng mỗi căn hộ không thấp hơn 45 m2". Tuy nhiên, sau khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực thi hành thì quy định này đã được bãi bỏ. Luật nhà ở 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan hiện hành chưa có quy định cụ thể giới hạn diện tích tối thiểu đối với căn hộ chung cư thương mại.
Trong khi đó, nhu cầu của thị trường về căn hộ có diện tích vừa và nhỏ (dưới 45 m2) để phục vụ đối tượng có thu nhập thấp, độc thân, hộ gia đình trẻ 2-3 người tại các khu đô thị lớn, khu công nghiệp là tương đối lớn và đã được đầu tư xây dựng tại một số địa phương.
Tại Luật Nhà ở ban hành năm 2014 (thay thế Luật Nhà ở ban hành năm 2005) cũng quy định tại khoản 2 Điều 24: "Đối với căn hộ chung cư thì phải thiết kế, xây dựng theo kiểu căn hộ khép kín, có diện tích sàn căn hộ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng". Đồng thời, tại khoản 2, Điều 175 của Luật Nhà ở 2014 cũng đã có quy định giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về nhà ở.
Bộ Xây dựng đang triển khai nghiên cứu để ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nhà chung cư. Trong thời gian chờ ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về nhà chung cư, đối với căn hộ chung cư thương mại, có thể áp dụng tạm thời tiêu chuẩn diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 25 m2. Diện tích này tương đương quy định hiện hành về diện tích tối thiểu đối với căn hộ chung cư nhà ở xã hội và phải bảo đảm thiết kế, xây dựng theo kiểu căn hộ khép kín.
Việc đề xuất quy định tiêu chuẩn diện tích tối thiểu đối với căn hộ chung cư là 25 m2 được căn cứ trên cơ sở pháp lý, khoa học và thực tiễn. Bộ Xây dựng dẫn chứng, theo kết quả điều tra về dân số và nhà ở cho thấy, số hộ gia đình tại khu vực đô thị có diện tích nhà ở tối thiểu dưới 5 m2/người là tương đối lớn (khoảng 4,8%).
Từ đó, Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 6 m2 sàn/người và đến năm 2020 là 8 m2 sàn/người. Như vậy, việc quy định diện tích căn hộ tối thiểu 25 m2 để có thể bố trí chỗ ở cho 1-3 người là hợp lý và phù hợp với nhu cầu của thị trường; đặc biệt với các đối tượng thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân lao động tại các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn diện tích tối thiểu đối với căn hộ chung cư nhà ở xã hội quy định tại Điều 7 Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 25 m2. Bởi vậy, cùng với các cơ chế khuyến khích phát triển nhà ở xã hội thì việc cho phép xây dựng căn hộ thương mại có diện tích tối thiểu 25 m2 cũng là một giải pháp quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở giá thấp cho các đối tượng gặp khó khăn về nhà ở theo tinh thần Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới như Pháp, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia... cũng đều cho phép xây dựng căn hộ chung cư có diện tích nhỏ. Đơn cử như Hàn Quốc là 14 m2, Pháp 15 m2, Thái Lan 15 - 20 m2. Như vậy, việc quy định cho phép xây dựng căn hộ chung cư có diện tích tối thiểu 25 m2 là phù hợp với thông lệ quốc tế.