Cách làm thiếu chuyên nghiệpÔng Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam cho rằng, câu chuyện tiền chênh đang xảy ra trên thị trường sẽ gây khó cho người mua nhà, là lực cản khi thị trường đang bắt đầu phục hồi. Để khắc phục tình trạng này, chủ đầu tư có thể tìm đến các sàn chuyên nghiệp để gửi gắm các sản phẩm của mình.
Việc mở bán dự án trực tiếp cho khách hàng vẫn ít được chủ đầu tư thực hiện trong thực tế. |
Tuy nhiên, nếu như các chủ đầu tư đã có chủ đích “bắt tay” với các sàn để làm giá thì người mua nhà chỉ có nước… bó tay. Liên quan đến vấn đề này, ông Quang nói: “Tôi cũng nghe có chuyện một số chủ đầu tư kỳ vọng lợi nhuận cao hết mức nên giao cho sàn đẩy giá lên thông qua khoản tiền chênh. Đó là hoạt động không chuyên nghiệp. Hiệp hội khuyến khích hội viên khi quyết định giá bán phải thông qua quá trình nghiên cứu thị trường, xác định phân khúc, đối tượng khách hàng, không nên vì lợi ích nhất thời mà đẩy giá lên làm mất tính lành mạnh của thị trường”.
Ngoài ra, theo ông Quang, các cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế minh bạch, bản thân doanh nghiệp cũng cần ý thức về sự minh bạch. Đây là cơ sở để đưa BĐS về đúng giá trị thực của nó.
Sự thiếu chuyên nghiệp chủ yếu tập trung ở các sàn BĐS khu vực Hà Nội, còn tại khu vực phía Nam thì ít xảy ra hơn. Họ sử dụng các chiêu trò ém thông tin, tạo thông tin giả để ăn tiền chênh. Câu chuyện từng xảy ra không thể quên của thị trường BĐS Hà Nội là khi các sàn, cùng với giới cò mồi tung thông tin chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì khiến nhiều người “lao” lên khu vực này mua nhà đất và cuối cùng là… vỡ mộng. Nghiêm trọng hơn, nhiều sàn giao dịch, môi giới viên đã “hù dọa” người mua rằng dự án đang “cháy hàng”, nếu không mua luôn thì giá chênh sẽ còn tăng cao hơn nữa. Tại một số dự án, họ còn cho “chân tay” giả vờ mua hết hàng rồi “gợi ý” người mua tìm đến để thương lượng nhằm kiếm tiền chênh lệch.
Bên cạnh đó, chính người mua cũng gián tiếp tạo ra những khoản tiền chênh trong giao dịch BĐS. Nhiều người mua có tâm lý đám đông, tranh giành suất mua, tạo cơ hội cho việc đẩy giá và hậu quả là chính người mua lãnh đủ. Có một nghịch lý là những dự án có tiền chênh lại thu hút một lượng khách hàng đáng kể bởi họ có suy nghĩ rằng tiền chênh thể hiện “đẳng cấp” của dự án, dự án tốt nên mới có giá chênh. Đây là cơ hội để các sàn tận dụng trục lợi.
Người dân khó tiếp cận thông tinTrong giao dịch BĐS, người mua nhà ở thế bị động do họ không có nhiều nguồn thông tin liên quan đến dự án, buộc họ phải “trông cậy” vào các sàn giao dịch. Mặc dù từ ngày 1/7 tới, theo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, các giao dịch BĐS sẽ không bắt buộc phải thông qua sàn (nhằm giảm bớt khâu trung gian trong giao dịch), tuy nhiên theo ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, từ luật đến thực tế đời sống thì còn khá xa. Nếu không tạo cho người dân các kênh thông tin khác để tiếp cận và mua BĐS thì họ vẫn phải thông qua sàn và cái vòng luẩn quẩn sẽ lặp lại.
Ông Nghiêm cho biết thêm, một số vụ các đại gia BĐS bị bắt gần đây chính là do việc khai khống giá của chủ đầu tư và sàn, trục lợi từ người mua nhà. Yêu cầu về sự minh bạch của giá BĐS được đặt ra và phải được thực hiện bởi các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và sàn giao dịch từ khâu cấp phép, triển khai đến mở bán dự án.
Một bất cập trong quản lý sàn giao dịch hiện nay là các cơ quan quản lý nhà nước chưa thanh tra, kiểm tra thường xuyên để kịp thời xử lý vi phạm của các chủ đầu tư và sàn giao dịch; hệ thống pháp luật thiếu một bộ chuẩn mực hành nghề kinh doanh BĐS để áp dụng thống nhất. “Khi việc hành nghề chưa tuân thủ theo một chuẩn mực chung thì việc mỗi nơi làm một kiểu, người dân chưa tin tưởng vào hoạt động của sàn giao dịch sẽ xảy ra”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) nhận định.
Bài và ảnh: Hoàng Dương