Ông có nhận định gì về việc Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế đối với các căn nhà từ 700 triệu đồng trở lên với mức 0,4%? Khi tiếp cận thông tin đánh thuế tài sản với nhà ở từ 700 triệu đồng trở lên, người dân sẽ có nhiều băn khoăn và muốn biết cơ sở pháp lý của việc đánh thuế này là gì. Họ sẽ đặt câu hỏi, tại sao không phải 500 triệu, hay 1 tỷ đồng mà lại là 700 triệu đồng.
Vấn đề là Bộ Tài chính phải chứng minh cho được cơ sở pháp lý hay là cơ sở khoa học của việc đánh thuế này. Không phải chỉ đưa ra một con số như vậy, mà phải đặt trong bối cảnh ngưỡng chịu thuế này có mối quan hệ với thu nhập của người dân hiện nay.
Tôi lấy ví dụ: 1 người có thu nhập 15 triệu đồng/tháng, người đó được miễn đóng thuế thu nhập cá nhân từ 9 triệu đồng trở xuống và đóng tiền thuế cho phần thu nhập tăng thêm. Như vậy người dân đã đóng thuế thu nhập rồi thì tại sao lại áp thêm một lần thuế nữa. Vì vậy, trong đề án của Bộ Tài chính cần phải giải thích cho được điều đó.
Bên cạnh đó, người dân đã đóng tiền sử dụng đất phi nông nghiệp. Trong Luật Đất đai của Việt Nam có nói đến tiền sử dụng đất. Số tiền sử dụng đất này có giá trị rất lớn, chiếm khoảng 10% giá trị căn hộ chung cư, chiếm trên dưới 30% giá trị nhà phố liền thổ (nhà gắn liền với đất). Riêng đối với biệt thự, tiền sử dụng đất đang chiếm 50% giá trị căn nhà.
Tiền sử dụng đất được quy định trong Luật Đất đai không phải là một sắc thuế, nhưng là một chi phí mà người dân phải bỏ ra. Như vậy, rõ ràng là người dân đã đóng thuế rồi, vậy mà vẫn phải đóng thêm thuế tài sản là không hợp lý.
Người dân đã đóng thuế rồi, vậy mà vẫn phải đóng thêm thuế tài sản là không hợp lý. Ảnh: Hoàng Dương |
Với căn nhà có giá trị 1,7 tỷ đồng thì mỗi năm người dân sở hữu căn nhà đó phải đóng thêm 4 triệu đồng tiền thuế nhà (1 tỷ đồng phần vượt giá trị 700 triệu đồng x 0,4%). Tuy rằng mức này là không nhiều nhưng làm cho người dân bị ‘ngợp” vì phải đóng quá nhiều thuế và phí như tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế thu nhập cá nhân..., giờ có thêm thuế tài tài sản.
Theo Bộ Tài chính, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia đánh thuế nhà. Vì vậy, Việt Nam đánh thuế nhà ở là phù hợp với thông lệ quốc tế. Ông có có đồng tình quan điểm này?
Ở nước ngoài thu thuế nhà ở vì người dân không phải đóng tiền sử dụng đất. Đất đai của họ là sở hữu tư nhân, còn ở Việt Nam đất đai là sở hữu toàn dân và người dân chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền sở hữu.
Theo ông việc đánh thuế đối với nhà có giá trị trên 700 triệu đồng sẽ tác động như thế nào đến thị trường bất động sản? Việc đánh thuế đối với nhà có giá trị trên 700 triệu đồng sẽ ảnh hưởng nhiều đến thị trường bất động sản, bởi vì thuế tài sản bản chất giống với thuế giá trị gia tăng. Mặc dù thuế giá trị gia tăng là doanh nghiệp đóng, nhưng bản chất của thuế giá trị gia tăng là doanh nghiệp chỉ đóng hộ người lao động và người lao động đã gián tiếp đóng thuế đó. Khi thuế giá trị gia tăng tăng thêm sẽ làm cho giá hàng hóa đó tăng thêm.
Tương tự như vậy, khi thuế tài sản tăng lên, tức là thuế đánh vào nhà ở tăng lên sẽ khiến giá nhà tăng cao. Điều này được giải thích là do người sở hữu nhà khi thực hiện giao dịch mua, bán sẽ đẩy phần thuế đó cho người mua khiến giá nhà tăng cao.
Nếu thực hiện thu thuế nhà ở thì ông có những đề xuất gì?
Thứ nhất nếu đã thu thuế tài sản thì bỏ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Thứ 2 là phải giảm tiền sử dụng đất xuống. Hiện nay, tiền sử dụng đất chiếm quá lớn trong giá trị ngôi nhà của người dân. Thay vì tiền sử dụng đất chiếm 10% giá trị đối với nhà chung cư, 30% đối với nhà ở, nhà phố và 50% đối với nhà biệt thự, chúng ta nên giảm xuống mức tỷ lệ từ 10- 15% cho tất cả các loại nhà.
Thứ 3 là đưa vào đối tượng miễn giảm. Đơn cử như có thể đưa những đối tượng được miễn giảm trong thuế thu nhập cá nhân vào danh sách đối tượng được miễn giảm thuế tài sản.
Thứ 4, nâng mức giá trị ngôi nhà phải đóng thuế lên cao, có thể là 1 tỷ đồng hoặc 1,5 tỷ đồng trở lên. Bởi vì hiện nay, những người có thu nhập trung bình từ 10- 15 triệu đồng rất nhiều trong xã hội. Những đối tượng này thường phải sử dụng tiền vay ngân hàng để mua nhà. Việc nâng mức ngưỡng đánh thuế này để tránh được việc thu thuế của các đối tượng đang là lực lượng lao động chính trong xã hội.
Xin chân thành cảm ơn ông!