Theo số liệu vừa được Liên hiệp quốc công bố, Hàn Quốc, Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) là những quốc gia, vùng lãnh thổ có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Thái Lan xếp thứ sáu và Trung Quốc xếp thứ 10. Điều này khiến chính phủ các quốc gia, vùng lãnh thổ này phải tiến hành cải cách chế độ hưu trí và khuyến khích tiết kiệm cá nhân.
“Vì số dân trong độ tuổi lao động thu hẹp trong những năm sắp tới, đầu tư tiết kiệm toàn cầu sẽ tăng lên. Vấn đề này đặc biệt dễ nhận thấy tại Trung Quốc”, ông David Green-Morgan, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường Tài chính Toàn cầu của JLL nhận định.
Cũng theo ông David Green-Morgan, trong hầu hết các nước ở khu vực châu Á, tài sản hưu trí theo tỷ lệ phần trăm của GDP vẫn dưới mức trung bình toàn cầu. Sắp tới, chúng ta sẽ thấy sự phân bổ của các quỹ hưu trí vào BĐS gia tăng như một kết quả của sự già hóa dân số, cải cách lương hưu và phát triển thị trường vốn.
Các nhà đầu tư châu Á, đặc biệt là các quỹ đầu tư quốc gia, các quỹ hưu trí và các công ty bảo hiểm, đã có tác động đẩy tăng giá trị BĐS tại Hoa Kỳ và châu Âu. Năm ngoái, nguồn vốn BĐS lớn nhất đầu tư vào khu vực này là từ Trung Đông và châu Á Thái Bình Dương. Qatar và UAE chi phối nguồn vốn của Trung Đông, trong khi đó tại khu vực châu Á Thái Bình Dương thì nguồn vốn chủ yếu đến từ Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông và Hàn Quốc.
Một trong số những bên mua tích cực nhất trong những năm gần đây là tập đoàn bảo hiểm của Trung Quốc, bao gồm cả China Life, PingAn và Bảo hiểm Anbang. Chiến lược toàn cầu của họ được hỗ trợ bởi việc thay đổi các quy định trong nước vào tháng 2/2014, cho phép các công ty bảo hiểm Trung Quốc gia tăng phân bổ tối đa nguồn vốn cho BĐS (cả trong nước và nước ngoài) từ 20 đến 30% trên tổng tài sản.
Khi Trung Quốc phát triển thị trường vốn của họ nghĩa là họ cũng đang thay đổi hệ thống lương hưu. Theo một báo cáo truyền thông, Trung Quốc có kế hoạch đưa ra hệ thống lương hưu thống nhất cho cư dân ở cả nông thôn và thành thị trước năm 2020.
Còn tại Nhật Bản, việc tái cơ cấu của Quỹ Đầu tư hưu trí Chính phủ Nhật Bản (GPIF) trị giá 1,1 nghìn tỷ USD là quỹ tiết kiệm hưu trí lớn nhất thế giới, trong đó nắm giữ chủ yếu là trái phiếu chính phủ Nhật Bản có hiệu suất sinh lời thấp, cũng dự kiến sẽ tăng phân bổ đầu tư cho BĐS. GPIF đã công bố một chiến lược đầu tư mới là sẽ phân bổ thêm 5% cho các hình thức đầu tư thay thế bao gồm cả BĐS.