Cụ thể, TP Hồ Chí Minh cần khoảng 134.000 căn; Hà Nội khoảng 110.000 căn; Bình Dương 41.250 căn; Đồng Nai 36.700 căn; Đà Nẵng 11.500 căn...
Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện khảo sát mẫu (với đối tượng và địa bàn điều tra chưa phủ đầy đủ) thì đã có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở xã hội (NOXH) trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, cán bộ công chức: 10.000; hộ thu nhập nghèo, cận nghèo: 39.000; lao động trong khu công nghiệp: 17.000. Đa số trong các nhóm đối tượng đều chọn phương thức thuê mua NOXH chiếm tỷ lệ từ 65 - 94%.
Một góc dự án nhà ở xã hội Nam Hùng Vương, Tuy Hòa, Phú Yên. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN |
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HOREA) nhận xét: Trên thực tế, nguồn lực ngân sách có hạn. Kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa thì vẫn chưa thể giải quyết kịp thời nhu cầu NOXH của cả nước, nhất là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh công nghiệp hóa cao, mà cần phải có lộ trình, kế hoạch và giải pháp khả thi.
Đầu tiên, các thành phố lớn cần xác định phát triển NOXH là yêu cầu bức thiết, phải có ngay từ quy hoạch, có kế hoạch phát triển nhà ở xã hội. Chẳng hạn như tại TP Hồ Chí Minh, hiện đã phủ kín quy hoạch phân khu chi tiết 1/2000 trong khi theo quy định của Luật Nhà ở thì phát triển NOXH phải theo quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị và theo dự án.
HOREA đã kiến nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường trình TP phê duyệt quy hoạch phát triển NOXH, nhà ở thương mại vừa và nhỏ (trong đó có khoảng 25% là loại căn hộ nhỏ có diện tích từ 25 - 45m2 ở một số quận ven và các huyện ngoại thành), giá rẻ, để hình thành các khu đô thị vệ tinh theo quy chuẩn xây dựng của Bộ Xây dựng (dự kiến sắp ban hành) dành cho người có thu nhập thấp và đối tượng thụ hưởng NOXH.
Chuẩn bị quỹ đất phát triển NOXH
Trước hết là sử dụng hiệu quả quỹ đất công, quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại để làm NOXH, gắn liền với các khu công nghiệp. Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện thiết chế nhà ở cho công nhân.
Luật Nhà ở đã quy định chủ đầu tư của tất cả các dự án nhà ở thương mại phải có trách nhiệm dành 20% quỹ đất kinh doanh của dự án để tham gia chương trình phát triển NOXH. Đây là nguồn lực rất lớn để phát triển NOXH, cần được sử dụng hiệu quả.
Ông Châu cho biết: Hiệp hội đã kiến nghị cho phép tất cả các doanh nghiệp đều được lựa chọn 1 trong 3 phương thức để thực hiện nghĩa vụ này. Thứ nhất là xây dựng NOXH tại dự án. Thứ hai là hoán đổi quỹ đất hoặc quỹ NOXH có giá trị tương đương tại vị trí khác. Ba là thanh toán bằng tiền, tùy theo điều kiện của từng dự án cụ thể do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định. Nguồn tiền thu được này sẽ được đầu tư vào các dự án phát triển NOXH theo quy hoạch của địa phương.
HOREA kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách thu được từ quỹ đất 20% dành cho NOXH tại các dự án nhà ở thương mại, chỉ được dùng để phát triển NOXH.
Khuyến khích doanh nghiệp phát triển NOXH, nhà thương mại cho thuê giá rẻ
Ông Lê Hoàng Châu cho biết, hiện nay tại TP Hồ Chí Minh, có những doanh nghiệp làm dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, không có ưu đãi về vay vốn tín dụng, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp như dự án NOXH nhưng họ vẫn thực hiện được những dự án NOXH, nhà ở thương mại để bán, cho thuê mua, hoặc cho thuê giá rẻ, như Công ty Nam Long, Công ty Hoàng Quân, Công ty Thủ Thiêm, Công ty Phú Cường...
Chẳng hạn như Công ty Lê Thành đã xây dựng hơn 2.000 căn hộ thương mại cho thuê giá rẻ (1,5 triệu đồng/tháng, đặt cọc 1 tháng tiền thuê nhà) và đang triển khai dự án xây dựng 930 căn hộ NOXH cho thuê bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.
Ông Châu kiến nghị Nhà nước có chính sách thí điểm để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện loại dự án nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ (khoảng từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng) như tạm hoãn nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong vòng đời của dự án (do Luật Đất đai 2013 quy định không miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án nhà ở thương mại), được giảm thuế VAT còn 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10%, có chính sách tín dụng ưu đãi... nhằm thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp thuê được nhà ở giá rẻ.
Để giảm giá thành NOXH, ông Châu kiến nghị cho phép hạch toán chi phí thực tế để giải phóng mặt bằng các dự án NOXH, hiện đang chiếm khoảng 20% giá thành công trình. Hiện nay doanh nghiệp chỉ được tính chi phí giải phóng mặt bằng rất thấp, chỉ bằng khoảng 20% chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã bỏ ra.
Thực tế, phát triển NOXH đáp ứng nhu cầu nhà ở thực của người thu nhập thấp chính là nhằm phát triển thị trường bất động sản toàn diện, bền vững, tránh lệch pha cung cầu trên thị trường. Hiện nay, các chủ đầu tư quá chú trọng phát triển nhà thương mại, giá cao, các siêu dự án, nghỉ dưỡng nhưng lại bỏ qua phân khúc nhà giá rẻ.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất. |
Tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất vừa được tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh: Nghị quyết TW 5 khóa XII đã khẳng định: “Hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để phát triển và vận hành thông suốt thị trường bất động sản. Xây dựng thể chế và các mô hình phù hợp để gắn kết quá trình công nghiệp hóa với đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới. Xây dựng chính sách xã hội về nhà ở”.
Bộ trưởng dự báo trong năm 2018 chưa có dấu hiệu biến động cực đoan lớn trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chưa đồng bộ, thiếu bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro, thiếu minh bạch, một bộ phận thị trường phát triển tự phát, bị lợi ích nhóm chi phối.