Tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư
Từ ngày 10/7, một số ngân hàng thương mại đã “mạnh tay” giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1%/năm sau động thái giảm lãi suất tiên phong của Ngân hàng Nhà nước.
Trao đổi với báo Tin Tức, bà Đỗ Thu Hằng, Phó Giám đốc Bộ phận nghiên cứu thị trường Savills Hà Nội nhận định: Động thái giảm lãi suất cho vay của ngân hàng sẽ có những tác động tích cực vì chi phí đầu vào giảm sẽ giúp giá thành BĐS ổn định. Hạ lãi suất đối với các nhà đầu tư thì sẽ tiết kiệm chi phí, đỡ áp lực lên việc tăng giá.
Doanh nghiệp cho rằng giảm lãi suất cho vay là tín hiệu tích cực song không thể thay lập tức tác động đến thị trường. |
“Để hoàn thiện dự án đúng tiến độ và cam kết thì các dự án sẽ cần đến vốn ngân hàng. Năm 2017, Savills tính toán hơn 20.000 căn hộ sẽ được bán ra, 2018 cũng gần như thế. Chưa biết bán được đến đâu nhưng điều tất yếu là các chủ đầu tư sẽ phải gia tăng lượng vốn để đầu tư”, bà Hằng cho hay.
Còn ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cũng nhận xét, hạ lãi suất là tín hiệu đáng mừng đối với thị trường BĐS.
“Dù phải chờ độ trễ nhất định nhưng lãi suất đầu vào hạ sẽ giúp đầu ra giảm theo, DN BĐS sẽ giảm chi phí vốn”, ông Đực cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực CLB BĐS Hà Nội đánh giá rất cao động thái giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng.
Theo ông Điệp, giai đoạn hiện nay, thị trường BĐS cạnh tranh khốc liệt. Giá vốn chiếm tỷ lệ lớn trong hoạt động đầu tư của DN. Nếu giảm được lãi suất cho vay tức là giá vốn giảm thì thị trường sẽ sôi động hơn, các DN đầu tư nhiều hơn.
“Tôi mong Ngân hàng Nhà nước có điều hành giảm dần lãi suất cho vay để DN BĐS Việt Nam có thể cạnh tranh không chỉ trong nước mà với cả DN ngoại. Hiện nay, giá vốn của các DN Việt Nam đang ở mức cao so với khu vực. Nó là chỉ tiêu kinh doanh quan trọng của DN, nếu giảm được thì sức cạnh tranh sẽ tăng lên”, ông Điệp cho hay.
Thị trường quyết định giá bán nhiều hơn là lãi suấtTuy đánh giá tích cực về động thái giảm lãi suất song các DN cũng như chuyên gia BĐS vẫn băn khoăn về tác động thực sự của động thái này đến thị trường.
Trao đổi với Tin Tức, ông Phạm Trung Hà, TGĐ Hòa Phát Land, cho rằng, lãi suất cho vay giảm sẽ không tác động ngay đến giá thành BĐS trên thị trường bởi nó chiếm tỷ trọng không quá lớn. Thay vào đó là các yếu tố như tín hiệu thị trường, thanh khoản dự án.
Ông Hà phân tích, giá thành sản phẩm BĐS phụ thuộc vào thời điểm triển khai dự án, thời điểm ra hàng. Nhất là thời điểm mở bán, căn cứ vào các tín hiệu thị trường như đối thủ cạnh tranh, hạ tầng khu vực mà chủ đầu tư đưa ra các mức chiết khấu, cơ cấu giá bán khác nhau. Nếu thị trường tốt giá có thể tăng 3-4%, nếu thị trường xấu thì giá có thể giảm 5-10%. Như vậy con số lãi suất vay giảm 0,5% không phải là quá lớn và không tác động nhiều đến giá thành và giá bán sản phẩm trên thị trường so với các yếu tố kia.
“Chẳng hạn, tại Hà Nội một dự án mở bán lần đầu, cân nhắc các dự án xung quanh bán với giá 20 triệu đồng/m2 thì họ có thể bán 21 triệu đồng/m2, như vậy là đã cao hơn 5%. Thị trường vẫn quyết định giá bán nhiều hơn là lãi suất cho vay đầu vào của ngân hàng”, ông Hà dẫn chứng.
Với DN BĐS, đợt hạ lãi suất lần này không mang nhiều ý nghĩa bởi nó chỉ là khoản vay ngắn hạn, trong khi đa số DN BĐS vay trung dài hạn, lãi suất vẫn rất cao. “Các ngân hàng chỉ ưu tiên cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên và cho vay ngắn hạn”, đại diện một 1 DN nhận định.
Theo GS Đặng Hùng Võ, chuyên gia BĐS, thị trường BĐS có được hưởng lợi từ chính sách mới hay không phải xem chính sách tiền tệ có khơi được luồng tín dụng cho BĐS hay không. Cần phải chờ thêm một thời gian nữa để xem thị trường có tiếp nhận hay không.
Thực tế, việc tiếp cận vốn ngân hàng của các DN BĐS không dễ dàng. Bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay thì các DN mong muốn ngân hàng đơn giản hóa cơ chế, thủ tục cho vay để DN dễ dàng tiếp cận vốn vay ngân hàng hơn. Thị trường BĐS cần được đảm bảo nguồn vốn để phát triển ổn định bởi nếu thị trường này lao đao thì nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng theo.