Đây là nội dung kết luận quan trọng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật tại Vinafood 2.
Khu đất 34-36 Chu Mạnh Trinh, 42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du có diện tích gần 6.300 m2 do Vinafood 2 (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý sau năm 1975. Báo cáo của Vinafood 2 cho thấy, Vinafood 2 đã vay của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam hơn 633 tỷ đồng nộp vào ngân sách Nhà nước để chuyển mục đích sử dụng đất các khu đất này và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên các khu đất nói trên vẫn còn 34 hộ đang lưu cư, chưa được đền bù giải toả và cũng chưa thể khai thác được.
Tính đến ngày 30/5/2015, lỗ lũy kế của Vinafood 2 gần 1.200 tỷ đồng; trong đó có việc đã đầu tư hơn 633 tỷ đồng vào mặt bằng các khu đất 34-36 Chu Mạnh Trinh, 42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du. Trong khi đó lãi vay ngân hàng 7%/năm, tính ra mỗi năm Vinafood 2 phải chịu lãi do không khai thác vốn đã đầu tư vào các khu đất là 44 tỷ đồng.
Năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 94/NQ-CP yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước không đầu tư ngoài ngành, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Đối với các tập đoàn, tổng công ty trước đây đã đầu tư vào lĩnh vực này phải sớm có kế hoạch thoái vốn, tiến tới chấm dứt kinh doanh. Trong bối cảnh đó, cùng với việc làm ăn thua lỗ, Vinafood 2 có chủ trương tìm đối tác khai thác mặt bằng. Ngày 12/11/2015, Vinafood 2 ký hợp đồng hợp tác với Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng Địa ốc Việt Hân (gọi tắt là Công ty Việt Hân). Sau đó hai bên góp vốn thành lập Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng - Dịch vụ Việt Hân Sài Gòn (gọi tắt là Công ty Việt Hân Sài Gòn) để thực hiện dự án bất động sản tại khu đất 33 Nguyễn Du, 34-36 Chu Mạnh Trinh và 42 Chu Mạnh Trinh.
Tỷ lệ góp vốn như sau Công ty Việt Hân góp vốn 640 tỷ đồng vào Công ty Việt Hân Sài Gòn (chiếm 80% vốn), 20% vốn còn lại (160 tỷ đồng) do Vinafood 2 đóng góp bằng giá trị tài sản trên đất và 1 phần giá trị quyền sử dụng đất các khu đất nói trên. Tổng giá trị các khu đất được 2 bên xác định là 730 tỷ đồng.
Kế đến, Công ty Việt Hân Sài Gòn chuyển cho Vinafood 2 số tiền 570 tỷ đồng là tiền tính từ giá trị khu đất 33 Nguyễn Du và 34-36 Chu Mạnh Trinh, 42 Chu Mạnh Trinh sau khi trừ đi 160 tỷ đồng góp vốn của Vinafood 2. Sau cùng Vinafood 2 chuyển nhượng phần góp vốn 160 tỷ đồng của mình tại Công ty Việt Hân Sài Gòn cho Công ty Việt Hân. Đến đây thương vụ chuyển nhượng, mua bán đất có nguồn gốc đất công hoàn tất.
Điều khiến dư luận băn khoăn là việc Vinafood 2 cho rằng, giá chuyển nhượng mặt bằng 33 Nguyễn Du, 34-36 Chu Mạnh Trinh và 42 Chu Mạnh Trinh sẽ được 2 bên thoả thuận, căn cứ vào Nghị định 71/2013/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 30 Nghị định 71/2013/NĐ-CP cũng nêu rõ “giá chuyển nhượng các khoản đầu tư theo nguyên tắc giá thị trường”.
Ngày 22/10/2015, Vinafood 2 ban hành Nghị quyết số 05/NQ-HĐTV về thực hiện dự án chuyển chủ đầu tư và chuyển quyền sử dụng đất của khu đất 34-46 Chu Mạnh Trinh, 42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du. Theo đó, giá trị quyền sử dụng đất và giá trị tài sản trên đất của khu đất nói trên được Vinafood 2 xác định là 730 tỷ đồng.
Vào năm 2015, giá thị trường các khu đất vàng nói trên dao động thấp nhất cũng từ 200 - 250 triệu đồng/m2, tính ra 6.300 m2 sẽ có giá thấp nhất cũng từ 1.500 tỷ đồng. Còn hiện nay theo khảo sát giá của Công ty TNHH MTV Gachvang.com, đường Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1 có giá từ 478 triệu đồng/m2, đường Nguyễn Du có giá từ 428 triệu đồng/m2. Như vậy, giá trị 6.300 m2 các khu đất trên đây sẽ có giá ít nhất từ 2.700 - 3.000 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, trong quá trình thoái vốn của Vinafood 2, tháng 12/2015 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn số 10204/BNN-QLDN yêu cầu Vinafood 2 thực hiện việc thoái vốn tại Công ty Việt Hân Sài Gòn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đảm bảo quản lý chặt chẽ, không để thất thoát tài sản, việc thoái vốn phải gắn việc lành mạnh tài chính, tái cơ cấu doanh nghiệp có hiệu quả.
Tuy nhiên, Vinafood 2 đã làm trái chỉ đạo nói trên. Bản Kết luận thanh tra số 5278/KL-BNN-TTr ngày 27/6/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ rõ: Nếu thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-HĐTV ngày 22/10/2015 của Hội đồng thành viên Vinafood 2 về việc chuyển tỷ đồng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng 34 hộ dân từ Công ty Việt Hân Sài Gòn sang Vinafood 2 từ tài khoản Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính sẽ dẫn tới thất thoát 54 tỷ đồng tài sản nhà nước.
Bài 3: Hợp tác, cho thuê đất công tùy tiện