Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về kinh tế đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Hà Nội ngày 13/7, TS Hoàng Đình Cường, Chuyên gia Ngân hàng Thế giới cho rằng, việc quản lý, sử dụng đất công ở Việt Nam hiện nay còn nhiều vướng mắc. Ông Cường cho biết, thu hồi đất là nhu cầu tất yếu để phát triển hạ tầng, phục vụ các nhu cầu sản xuất, kinh doanh và dân sinh nhưng luôn chậm trễ, tốn kém và không thỏa mãn nhu cầu chính đáng của người bị thu hồi đất, dẫn đến khiếu kiện phổ biến và kéo dài.
“Việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp cũng rất khó khăn. Việc giao đất, cho thuê đất hầu hết không thông qua “đấu giá” công bằng, minh bạch. Giá đất giao và cho thuê thấp rất xa giá thị trường dẫn đến thất thoát lớn cho nhà nước. Tình trạng đất không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, bị lợi dụng để cho thuê lại vẫn còn nhiều, ngay cả ở các đô thị lớn mặc dù đã được Chính phủ tổ chức sắp xếp lại”, ông Cường cho hay.
Bên cạnh đó, theo ông Cường, tại thời điểm trước cổ phần hóa có trên 12.000 doanh nghiệp Nhà nước, đến nay chỉ còn gần 600 doanh nghiệp. Số đất đai, tài sản của các doanh nghiệp này đi đâu? Đóng góp bao nhiêu tiền cho ngân sách?...
Cùng quan điểm, GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đánh giá, việc thu hồi đất công ở Việt Nam còn nhiều vướng mắc. Việc nhà nước giao đất công, cho thuê đất công trực tiếp cho nhà đầu tư tư nhân đã được chỉ định với các quyết định hành chính về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã được đánh giá là chứa nhiều rủi ro tham nhũng.
Quang cảnh buổi hội thảo. |
Ông Võ chỉ rõ, thực tế, tiền sử dụng đất và tiền thuê đất được xác định chỉ bằng khoảng 30% giá trị thị trường. Mặc dù có quy định về đấu giá đất nhưng chưa được áp dụng phổ biến trên thực tế ở địa phương, nhất là tại các đô thị có giá trị đất đai cao. Đồng thời, việc sắp xếp lại mặt bằng sử dụng đất công khi các đơn vị sự nghiệp... chuyển ra ngoài đô thị, bố trí lại trụ sở các cơ quan nhà nước đã trở thành chủ trương lớn, nhưng chưa đảm bảo minh bạch về giá trị. Đất công của cơ sở cũ được chuyển nhượng cho các dự án đầu tư đều không thông qua đấu giá đất. Luật Đất đai cũng không có quy định nào liên quan đến việc này.
“Tôi đề xuất bổ sung khái niệm đất công vào Luật Đất đai, việc giao, cho thuê đất công phải được thực hiện theo cơ chế đấu giá đất, được áp dụng đối với các dự án đầu tư bằng vốn của nhà đầu tư. Luật đất đai cần bổ sung quy định áp dụng đấu giá đất cho mọi trường hợp đưa đất công vào thị trường và quy định về chế tài xử lý nghiêm các trường hợp không đấu giá đất”, ông Võ kiến nghị.
Sẽ sửa đổi Luật Đất đai theo cơ chế thị trường Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, theo thống kê khiếu nại, tố cáo trong công tác quản lý đất đai chiếm đến 60%, sau khi có Luật Đất đai 2013 tình hình khiếu nại tố cáo giảm đi nhưng vẫn là vấn đề nóng”. Lần sửa Luật Đất đai gần đây nhất là năm 2013 đã đưa các vấn đề quản lý đất đai từ thực tiễn, phương pháp, cách thức quản lý quốc tế vào trong luật. Đây cũng là lần đầu tiên Luật Đất đai chuyển từ cách thức nền kinh tế kế hoạch hóa hướng đến tiếp cận theo cơ chế thị trường, cùng với đó đồng bộ giải pháp quy hoạch, kế hoạch đất đai, hình thành các cơ sở dữ liệu... Ở Việt Nam có đặc thù đất đai là sở hữu toàn dân, nhà nước đại diện cho quyền sở hữu đó. Quyền của người dân khi được giao đất cũng có quyền được định đoạt tài sản, định giá đất. Thời gian tới, khi sửa Luật Đất đai sẽ dựa trên tinh thần quản lý đất đai theo cơ chế thị trường. “Việc đưa vấn đề quản lý đất đai sát với cơ chế thị trường, dựa vào cơ chế thị trường tạo ra thị trường đất đai ổn định để phát triển. Đó là yêu cầu cấp thiết”, Bộ trưởng Hà nhấn mạnh. |