Tuy nhiên, bên cạnh việc hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người có thu nhập thấp, quá trình triển khai nhà ở xã hội tại Hà Nội ở mỗi giai đoạn đều bộc lộ những điểm hạn chế.
Thắp sáng ước mơ mua nhà ở xã hội
Thông tin từ UBND thành phố Hà Nội cho biết, đến nay có 34 dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai trên địa bàn thành phố. Trong đó, có 9 dự án đang thực hiện bán nhà, cho thuê nhà ở và 25 dự án đang triển khai, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2018 - 2020. Các dự án này nằm trên địa bàn các quận, huyện: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Long Biên, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Mê Linh, Hoài Đức...
Đáng chú ý, UBND thành phố Hà Nội đã có công văn gửi tới các bộ, ngành, cơ quan Trung ương thông tin cụ thể về danh mục các dự án nhà ở xã hội đang triển khai để các cơ quan biết thông báo đến cán bộ, công chức, chiến sỹ, công nhân viên, người lao động có nhu cầu liên hệ với các chủ đầu tư để được hướng dẫn lập hồ sơ mua nhà ở xã hội.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, để chủ động phát triển nhà ở xã hội đáp ứng mục tiêu phát triển nhà ở theo chương trình, kế hoạch đã được duyệt, Hà Nội cần hình thành các khu đô thị nhà ở xã hội tập trung. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về mặt chủ trương để Hà Nội triển khai.
Hiện, Thành ủy Hà Nội đã thông qua việc xây dựng 5 khu đô thị nhà ở xã hội tập trung và giao các nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 với khoảng 301,64 ha đất gồm 2 khu đô thị tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, diện tích khoảng 47,72 ha và 39,5 ha; tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, diện tích khoảng 53 ha; tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì và huyện Thường Tín, diện tích khoảng 44,62 ha; tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh với quy mô 116,7 ha.
Các khu nhà ở xã hội này được bố trí gần hệ thống giao thông công cộng sẽ tạo ra các khu nhà ở xã hội hiện đại, có cảnh quan đồng bộ, đảm bảo được các tiêu chí về sinh hoạt, hạ tầng xã hội thuận tiện...
Song song với việc triển khai hàng loạt các dự án nhà ở xã hội từ nay đến năm 2020, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, khắc phục các bất cập trong quy định về quản lý bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn. Theo đó, đối tượng chưa được xác định rõ sẽ được siết lại chặt chẽ hơn. Điều mà lãnh đạo thành phố Hà Nội lưu tâm là nhà ở xã hội trước hết cần phải dành cho đúng đối tượng.
Sắp tới, thành phố sẽ xây dựng cổng thông tin điện tử về nhà xã hội. Người dân có thể đăng ký công khai theo khu vực, tự đối chiếu tiêu chuẩn và phải chịu trách nhiệm về việc đăng ký đó. Việc giám sát, thanh tra sẽ được giao cho các đơn vị chức năng liên quan. Trường hợp sai nếu phát hiện sẽ bị thu hồi, đảm bảo đúng người, đúng việc, đúng nhu cầu, tránh đầu cơ nhằm hạn chế cơ hội cho người có nhu cầu thực.
Vẫn khó về nguồn vốn
Mặc dù là một trong những địa phương đi đầu của cả nước về xây dựng nhà ở xã hội, song, cũng từ thực tế triển khai cho thấy, đến nay thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp ở Hà Nội vẫn chỉ phần nào đáp ứng được nhu cầu chỗ ở cho một bộ phận công chức, viên chức, người lao động có thu nhập ổn định chứ chưa thể vươn tới mục tiêu giải tỏa nỗi mong ngóng an cư của phần đông người lao động.
Nguồn cung ít trong khi nhu cầu lớn nên việc người dân thu nhập thấp mua được một căn hộ nhà ở xã hội không hề đơn giản. Ngay cả khi được bổ sung nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm, việc sở hữu một căn nhà ở xã hội cũng gặp rào cản lớn do sự hạn chế từ nguồn vốn cũng như những quy định về điều kiện được vay vốn.
Theo chỉ tiêu, ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2018 - 2020 là hơn 1.200 tỷ đồng/9.000 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 13% so với yêu cầu. Riêng năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ được giao 500 tỷ đồng nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được giải ngân.
Thực tế, từ sau khi giải ngân hết gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho người mua nhà xã hội, cả chủ đầu tư và người mua nhà xã hội đều chưa được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi nên gặp rất nhiều khó khăn.
Trước sự khan hiếm về vốn vay ưu đãi, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phân bổ ngân sách hàng năm khoảng từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2018 - 2020 để cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội vay, với lãi suất khoảng 4,8%/năm.
Vốn cạn, lãi thấp đã gây nên một thực tế là tình trạng doanh nghiệp không còn mặn mà và dần thờ ơ với loại hình nhà ở này. Đơn cử như dự án nhà ở xã hội Bright City tại huyện Hoài Đức. Trong suốt quá trình triển khai gần 3 năm qua, dự án rất nhiều lần dừng thi công với lý do thiếu vốn và đến đầu năm 2018, toàn bộ công trình đã dừng thi công trong khi rất nhiều người dân đã nộp tiền mua nhà.
Lý giải cho việc này, đại diện chủ đầu tư cho biết do chính sách về gói vay 30.000 tỷ đồng của Chính phủ thay đổi, chấm dứt đột ngột nên chủ đầu tư không tiếp tục được vay ưu đãi phần còn lại dẫn đến dự án khó khăn về vốn và không xây dựng tiếp được.
Thậm chí có những dự án đã hoàn thiện, nhưng bán hàng cũng lay lắt vì nếu không được vay vốn ưu đãi thì chắc chắn người dân sẽ không đủ khả năng tài chính để mua nhà. “Họ là những người đang có nhu cầu bức thiết về nhà ở nhưng lại không đủ khả năng ngay lập tức. Nếu phải vay với lãi suất thương mại thì không thể mua nổi”, một chủ đầu tư cho biết.
Bất cập về quỹ đất
Về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, qua rà soát, thành phố hiện đang có khoảng 6 Đồ án Quy hoạch chi tiết khu đô thị có quy mô hơn 10 ha đất đã được phê duyệt đã dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, khi phát triển nhà ở xã hội tại các ô đất thuộc quỹ 20% đất ở của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đã phát sinh bất cập như: diện tích nhỏ lẻ nằm rải rác trong các khu đô thị; tăng áp lực đô thị về dân số do diện tích căn hộ nhỏ…
Do vậy, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị đấu giá một phần quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới, một phần đề nghị chủ đầu tư nộp bằng tiền tương đương với giá trị quỹ đất 20% để bổ sung vào ngân sách thành phố dành để phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, cùng với việc bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội tập trung, thành phố cần nghiên cứu, bố trí quỹ đất liền kề dự án hoặc dành riêng tỷ lệ quỹ đất ở hợp lý trong các khu đất dự kiến xây nhà ở xã hội tập trung để giao chủ đầu tư xây nhà ở thương mại nhằm tạo nguồn vốn hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội cho các dự án nhà ở xã hội tập trung, giảm gánh nặng cho ngân sách, đáp ứng nhu cầu của người dân sinh sống tại dự án…
Chủ trương đúng cần có cách làm phù hợp. Điều quan trọng nhất là những điểm “vướng” trong thực hiện nhà ở xã hội hiện nay cần phải được tháo gỡ, mà nút thắt chính là nguồn vốn và quỹ đất. Thiết nghĩ, ngay từ bây giờ, các cơ quan quản lý cần tính toán kỹ lưỡng về cơ chế để sao cho toàn bộ ưu đãi từ Nhà nước đến được với người lao động ở đô thị - dù số này mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Còn nếu chậm trễ, sẽ còn tình trạng những khu nhà xây xong để hoang hóa, rồi sẽ tái diễn tình trạng hàng ngàn tỷ đồng bị trì hoãn cấp vốn - khi mà người lao động vẫn cứ chờ, cứ đợi về một giấc mơ an cư.