Mặc dù là KĐT hiện đại, song Trung Hòa - Nhân Chính đang phải đối mặt nhiều vấn đề về áp lực cơ sở hạ tầng, cùng sự quá tải dân số. Nằm trên trục đường mới Hoàng Đạo Thúy, từ năm 2010, KĐT lúc mới đưa vào sử dụng có khoảng 2.400 căn hộ, với 10 tòa nhà chung cư cao tầng, dân số hơn 10.000 người, nhưng đến nay, toàn khu đã có khoảng 30 tòa nhà cao tầng từ 17 - 34 tầng, dân số cũng tăng chóng mặt lên gấp 3 - 4 lần.
Sự quá tải về dân cư là một trong những nguyên nhân khiến KĐT xuống cấp nhanh chóng, thiếu không gian vui chơi, giải trí. Mật độ xây dựng tăng nhanh, nhưng hầu hết các tòa chung cư ở đây chỉ có một tầng hầm để xe, dẫn đến việc thiếu chỗ để xe trầm trọng. Phần lớn ô tô của cư dân hiện nay phải gửi tại bãi trông giữ ngoài trời hoặc dưới lòng đường. Thậm chí, toàn bộ phần vỉa hè, sân chơi các tòa đều bị chiếm dụng để làm bãi đỗ xe.
Chị Đặng Lan Chi, cư dân sinh sống tại KĐT chia sẻ: Thực tế, nhiều tòa nhà đã có dấu hiệu hư hỏng từ 2 - 3 năm nay, hiện tượng hỏng ống nước, ngấm nước, tường bong tróc lem nhem, hành lang nứt vỡ... thường xuyên diễn ra, nhiều hạng mục công trình không bảo đảm, khiến nhiều hộ dân bức xúc. Không chỉ xuống cấp về hạ tầng, hầu hết các con đường tại đây đều được tận dụng làm bãi đỗ xe ô tô, bán hàng hay thậm chí trở thành nơi tập kết rác thải, gây mất mỹ quan đô thị. Chợ cóc mọc lên ngay giữa các tòa nhà, hàng quán bày bán la liệt từ sáng sớm cho đến chiều tối, chiếm dụng cả vỉa hè của người đi bộ...
Qua tìm hiểu, do giá thành vật liệu kính xây dựng ốp tường cao, dễ tăng bức xạ nhiệt, không phù hợp với chung cư, nên các tòa nhà tại KĐT chủ yếu sơn tường thay vì ốp kính. Tuy nhiên, sau hơn chục năm sử dụng, lớp sơn tường bên ngoài các tòa nhà trở nên cũ kỹ, bong tróc, rêu mốc, mầu sắc loang lổ, khiến bề mặt bị biến đổi hoàn toàn so với thiết kế ban đầu. Trong khi đó, chủ đầu tư, ban quản lý và cư dân chủ yếu quan tâm các vấn đề nội thất, còn vẻ mỹ quan bên ngoài tòa nhà thì ít ai để ý...
KĐT Trung Hòa - Nhân Chính chỉ là một trong số nhiều KĐT hiện nay của Thủ đô cho thấy những bất cập của quy hoạch đô thị thiếu dài hạn hơn chục năm trước đây, nhất là tình trạng nhồi nhét nhà cao tầng khiến bộ mặt cảnh quan đô thị "nhếch nhác" sau khi xuống cấp. Nếu ngay từ giai đoạn thiết kế, chủ đầu tư tính toán, tăng cường hiệu quả công năng cho các tòa chung cư, có lẽ sau vài chục năm, Hà Nội sẽ không phải đau đầu giải quyết hệ lụy.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong 10 năm qua, dân số ở các khu vực thành thị cũng liên tục tăng do tác động của quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh tại các địa phương trong cả nước. Năm 2020, dân số khu vực thành thị ở nước ta ước tính khoảng 33.060.000 người, chiếm 34,4% dân số. Hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước là Hà Nội với 2.398 người/km2 và TP Hồ Chí Minh với 4.292 người/km2.
Quá trình đô thị hóa nhanh đã làm gia tăng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, gây hại cho sức khỏe cộng đồng, nguyên nhân là do sự bùng nổ các hoạt động xây dựng, khí xả thải từ các phương tiện giao thông cơ giới, khói bụi từ các khu vực sản xuất vùng lân cận. Bên cạnh đó, có đến 1 đô thị có nguy cơ ngập cao, trong đó có 24 đô thị thuộc 15 tỉnh có nguy cơ ngập nặng... Những bất cập này nếu không được khắc phục và kiểm soát sớm, sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy và hậu quả lâu dài cho phát triển kinh tế xã hội.
Trước thực tế này, Bộ Xây dựng vừa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD, bổ sung, kế thừa các nội dung của QCVN 01:2019/BXD và QCXDVN 01:2008 sau 10 năm thực hiện, trở thành công cụ để các bộ, ngành, địa phương quản lý hiệu quả quy hoạch sử dụng đất đô thị.
Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP), Quy chuẩn mới đồng bộ với các Quy chuẩn trước đây về quy hoạch đô thị, sử dụng đất; phân tách các nội dung trùng lặp, chưa thống nhất giữa Quy chuẩn về quy hoạch với các Quy chuẩn khác về hạ tầng kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy; đưa ra các khái niệm về ranh giới phát triển đô thị, các quy định về hạn mức đất dân dụng ứng với từng loại đô thị, nhằm phù hợp với thực tiễn mật độ cư trú và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của Việt Nam...
Đặc biệt, Quy chuẩn mới sẽ làm căn cứ để các cơ quan liên quan và các địa phương lập quy hoạch quản lý đô thị, bao gồm quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, đáp ứng các nguyên tắc về môi trường; an toàn cháy nổ; các hoạt động chung của đô thị; đồng thời, đưa ra giới hạn hệ số sử dụng đất, nhằm đảm bảo khả năng phục vụ của hệ thống hạ tầng đô thị. Đây là nội dung quan trọng khắc phục nhiều khoảng trống trong quản lý các dự án tái thiết trong các khu đô thị trước đây.