Tuy nhiên, số vụ báo chí và lực lượng chắc năng phát hiện được vẫn còn khiêm tốn khi tình trạng vi phạm diễn ra phổ biến, không chỉ địa bàn vùng ven với người dân tự phát mà ngay cả doanh nghiệp khi triển khai dự án lớn tại khu vực trung tâm.
Đua nhau vi phạm
Vụ “lùm xùm” gần đây nhất phải kể đến việc “xây lụi” 110 căn biệt thự ở quận 7 tại dự án Green Star Sky Garden, do Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư khi chưa được giao đất, chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã xây xong phần thô biệt thự.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, xét về pháp luật đất đai, chủ đầu tư đã sai phạm khi chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà vẫn tổ chức thi công xây dựng. UBND thành phố đã yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, báo cáo đề xuất hướng xử lý cho UBND thành phố.
Về biện pháp xử lý, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra kết hợp xử lý vụ việc, đề xuất biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp; tiếp tục đình chỉ thi công dự án trong 60 ngày để doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Trong khi vụ xây biệt thự ở quận 7 chưa tạm lắng thì lại nổi lên vụ xây hàng nghìn căn hộ tại dự án Laimian City, quận 2, TP Hồ Chí Minh do Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà làm chủ đầu tư khi chưa hoàn tất thủ tục pháp lý xây dựng. UBND quận 2 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do chủ đầu tư tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng tại khu vực chung cư CC04 thuộc Khu D dự án Khu đô thị An Phú – An Khánh (131ha), phường Bình An, quận 2 với số tiền bị xử phạt là 40 triệu đồng. Đồng thời UBND quận 2 yêu cầu Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà dừng thi công xây dựng làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Thời hạn khắc phục hậu quả trong 60 ngày.
Đại diện chủ đầu tư dự án Laimian City thừa nhận, doanh nghiệp có sai sót khi chưa trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế phòng cháy chữa cháy mà tổ chức thi công phần hầm. Hiện nay chủ đầu tư đã nộp hồ sơ ra Bộ Xây dựng để hoàn tất thủ tục pháp lý.
Cũng trên địa bàn quận 2, trong khi hơn 1,8ha đất tại khu vực phường Bình Trưng Đông quận 2 đang được tòa án nhân dân các cấp giải quyết tranh chấp giữa ông Lê Văn Hùng chuyển nhượng cho liên doanh Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển nhà Lê Vũ và Công ty TNHH Ngôi Sao Sài Gòn thì đã xảy ra tình trạng xây dựng trên đất, dựng tường rào, gắn camera giám sát an ninh.
Tòa án nhân dân quận 2 ban hành Quyết định số 07/2019/QĐ - BPKCTT, yêu cầu các bên cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp đồng thời các cơ quan có thẩm quyền được quyền xử lý các hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp trên theo quy định.
Tương tự, Chi cục Thi hành án dân sự quận 2 cũng ban hành Quyết định số 87/QĐ-CCTHADS và Quyết định số 1085/QĐ - CCTHADS về việc tạm dừng thay đổi hiện trạng tài sản, cấm các bên thay đổi hiện trạng tài sản tranh chấp với phần đất tại vị trí thửa số 916, 1000, tờ bản đồ số 3 tọa lạc tại phường Bình Trưng Đông, quận 2.
Vấn đề đặt ra ở chỗ, các cơ quan chức năng từ UBND phường, Thanh tra địa bàn Sở Xây dựng đã ở đâu khi có những vụ vi phạm diễn ra công khai giữa ban ngày mà không xử lý triệt để?
Trong khi đó, trên địa bàn quận 12 đã xảy ra tình trạng vi phạm trật tư xây dựng “xưa nay hiếm” khi xây nhà trên đất của người khác. Theo đó, vợ chồng bà Trần Thị Ngọc Tiễn đã cho bà Nguyễn Thị Tám thuê đất và nhà tại 2 thửa đất. Sau một thời gian không thấy bà Nguyễn Thị Tám trả tiền thuê nên 2 vợ chồng bà Trần Thị Ngọc Tiễn xuống hiện trường thì phát hiện bà Nguyễn Thị Tám đã dọn nhà đi, đồng thời trên khu đất xây 9 căn nhà; trong đó có 2 căn nhà được cấp giấy phép xây dựng tạm. Bản thân bà Nguyễn Thị Tám đã phân lô, hợp thức hoá số nhà, tách thửa và bán giấy viết tay cho một số trường hợp.
Vậy trách nhiệm của UBND phường Hiệp Thành, quận 12 ở đâu trong suốt thời gian dài, dù địa điểm vi phạm chỉ cách trụ sở UBND phường Hiệp Thành khoảng hơn 1km.
Kiên quyết xử lý
Trước diễn biến phức tạp về vi phạm trật tự xây dựng, nhiều chính quyền cơ sở đã vào cuộc và bước đầu có những kế hoạch và giải pháp kiểm tra, xử lý. Đơn cử, UBND huyện Bình Chánh đã khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến việc quản lý phân lô tách thửa, xây dựng không phép trên địa bàn huyện.
Là địa bàn vùng ven có số lao động nhập cư nhiều, nhu cầu xây dựng cao, UBND huyện Củ Chi cũng đã lên kế hoạch xử lý các trường hợp vi phạm. Vừa qua, UBND xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả với một trường hợp thi công không phép, đây là trường hợp xử lý thứ 18 trên địa bàn xã này và là trường hợp thứ 50 tại huyện Củ Chi tính từ đầu năm 2019 tới nay.
Đối tượng vi phạm là bà Nguyễn Ngọc Lý, đã chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải đất trồng lúa, đất trồng rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng qua đất phi nông nghiệp để xây dựng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Vị trí vi phạm tại thửa đất 1339-1, tờ bản đồ 3 thuộc bộ địa chính xã Tân Thông Hội.
Theo ông Nguyễn Tuấn Phong, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội, hiện trên địa bàn xã có tới 11.000 hộ dân, nhu cầu về nhà ở là rất lớn, điều này dẫn tới việc nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, nhiều khu vực nằm trong quy hoạch khu đô thị Tây Bắc không thể chuyển mục đích được, xã đã có nhiều cảnh báo tuy nhiên người dân vẫn lén lút vi phạm dưới nhiều vỏ bọc tinh vi như dựng tôn rồi tiến hành xây kiên cố bên trong, thậm chí thi công ngay cả buổi tối, trời mưa bão.
Ông Nguyễn Thái Bình, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Củ Chi cho hay, từ đầu năm 2019 tới nay, trên địa bàn huyện đã tiến hành cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả tổng cộng 50 trường hợp. Trong đó 21 vụ cưỡng chế; 22 vụ tự tháo dỡ và 7 vụ lý do khác (1 có giấy phép xây dựng, 1 đang đề xuất xử lý, 1 cho tồn tại công trình, 2 đang tự tháo dỡ, 2 đã trình UBND huyện lên phương án cưỡng chế). UBND huyện đang tập trung chỉ đạo để lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn, thực hiện đúng quy định của pháp luật về xây dựng.
Nói về việc chấn chỉnh vi phạm trật tự xây dựng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, với chương trình đột phá thứ 7 là chỉnh trang đô thị cần bổ sung vào chương trình này vấn đề quản lý xây dựng, vì trên thực tế tình trạng xây dựng không phép, sai phép diễn ra nhiều. Đây là vấn đề hết sức nhức nhối, cán bộ quản lý địa bàn không được làm sai, không chấp nhận người khác làm sai, không làm ngơ trước tình trạng vi phạm xây dựng.
Thường trực Thành uỷ TP Hồ Chí Minh cũng đã đã có Công văn số 1354-CV/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn; trong đó, nhìn nhận trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, kiểm tra, giám sát chưa được quan tâm đúng mức, chưa xư lý dứt điểm vấn đề nổi cộm, có nơi buông lỏng quản lý địa bàn, chưa quyết liệt xử lý ngay từ đầu.
Trước tình hình đó, Thường trực Thành uỷ yêu cầu Bí thư Quận uỷ, Huyện uỷ chỉ đạo Bí thư Đảng uỷ phường xã thị trấn chỉ đạo rà soát, thống kê, lập danh sách số lượng vị trí cụ thể các trường hợp xây dựng không phép, sai phép trong năm 2017, 2018 và đến ngày 30/5/2019. Bí thư Quận uỷ, Huyện uỷ phải chịu trách nhiệm báo cáo trực tiếp Thường trực Thành uỷ thực trạng quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, nhận định xử lý, nguyên nhân của tình hình, đánh giá việc chính quyền quận huyện, phường xã thị trấn thực hiện các chỉ đạo cảu cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ quận huyện phường xã thị trấn trong quản lý hoạt động xây dựng.
Chỉ đạo nói trên của Thường trực Thành uỷ TP Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ là giải pháp mạnh, lập lại kỷ cương, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn Thành phố.