Phát triển thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Cần bỏ tư duy 'có tiền là xây'

Tại diễn đàn “Phát huy vai trò doanh nghiệp bất động sản triển khai thực hiện đề án phát triển thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh” do Sở Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) tổ chức ngày 9/3, Giáo sư Tiến sĩ Richard Peiser, Đại học Harvard cho rằng, thị trường bất động sản luôn có chu kỳ, khi bùng nổ khi đổ vỡ nên cơ quan quản lý nhà nước phải giữ vai trò chủ động điều tiết và giám sát.

Quang cảnh diễn đàn.

Phía doanh nghiệp cần loại bỏ tư duy “có tiền là xây” để tránh dư thừa nguồn cung; thay vào đó khi thấy nguồn cung quá nhiều thì không xây mới, không nên triển khai dự án trên đỉnh chu kỳ mà phải xây dựng ở dưới đáy chu kỳ.

Nói về vai trò quản lý của khu vực nhà nước, Giáo sư Richard Peiser cho rằng, việc phê duyệt và cấp phép dự án càng lâu thì càng giảm tính cạnh tranh, đội giá bán, ảnh hưởng rất lớn đến tính minh bạch. Mặt khác, không nên hạn chế sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản vì đây là nhân tố tạo thêm vốn, tăng sự cạnh tranh cũng như chuẩn mực thiết kế xây dựng. Ngoài ra, cần tính toán thuế bất động sản để duy trì nền tài chính công, tái đầu tư, thực hiện các dịch vụ công.

Theo ông Phan Trường Sơn - Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, thị trường bất động sản thành phố đang tồn tại nhiều hạn chế như hệ thống pháp lý phức tạp, thường xuyên thay đổi; chia sẻ dữ liệu thị trường chưa đáp ứng được nhu cầu; công tác lập quy hoạch, phát triển đô thị liên quan đến vấn đề nhà đất còn thiếu tính đồng bộ; thị trường thiếu minh bạch, tín dụng bất động sản tăng trưởng nhanh nhưng mất cân đối. Lượng nhà ở do người dân tự xây hiện vẫn chiếm hơn 80% tổng nguồn cung nhà ở hàng năm trên địa bàn. Bên cạnh đó còn có nhiều dự án kéo dài, chương trình phát triển nhà ở xã hội chưa đạt yêu cầu…

Trước tình hình đó, UBND thành phố đã phê duyệt đề án “Phát triển thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, thành phố phấn đấu xây dựng thị trường bất động sản có tính minh bạch, lành mạnh, chuyên nghiệp, ngang tầm khu vực; hình thành và phát triển các doanh nghiệp bất động sản chuyên nghiệp; góp phần chỉnh trang, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường bền vững. Trong quá trình đó, thành phố sẽ được quy hoạch và xây dựng theo hướng đô thị thông minh, phát triển trên quan điểm phát triển vùng, đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị, đa dạng hoá sản phẩm bất động sản, trong đó khuyến khích phát triển nhà ở xã hội…

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, trong năm 2018, thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn về tài chính - vốn, về quan hệ cung - cầu, tiếp cận quỹ đất, thủ tục hành chính.

Trên cơ sở đó, đại diện HoREA khuyến nghị, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ dự án; đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết; phấn đấu trở thành là nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp. Ngoài ra các doanh nghiệp trong nước cần hợp tác, liên doanh, sáp nhập để hình thành các tập đoàn bất động sản trong nước có năng lực mạnh, đồng thời lựa chọn đối tác là các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài có uy tín và năng lực tài chính.


Tin, ảnh: Trần Xuân Tình (TTXVN)
Thị trường BĐS vẫn phát triển ổn định
Thị trường BĐS vẫn phát triển ổn định

Trong buổi tiếp xúc các doanh nghiệp ngành xây dựng chiều 12/8, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng thị trường BĐS vẫn tiếp đà tăng trưởng từ năm 2015 đến nay. Trước mắt, chưa có dấu hiệu nào quá bất thường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN