Trong số những doanh nghiệp nắm giữ quỹ đất lớn hiện phải nhắc tới Vinhomes, Novaland, Nam Long, Khang Điền… Theo thống kê dữ liệu doanh nghiệp, Vinhomes sở hữu quỹ đất đứng đầu ngành với hơn 16.000 ha; Novaland sở hữu quỹ đất khoảng 5.400 ha; Khang Điền đã và đang phát triển quỹ đất hơn 700 ha; Nam Long cũng nắm tổng quỹ đất khoảng 700 ha khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
Theo ghi nhận của Công ty JLL Việt Nam về thị trường bất động sản Việt Nam, hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp được xem xét hai yếu tố bao gồm khả năng phát triển dự án và quỹ đất dài hạn. Ở đây, quỹ đất là điều tất yếu để nhà phát triển chứng tỏ cam kết trong thời gian dài và năng lực phát triển sẽ được thể hiện qua số lượng các dự án và tỷ lệ bán thành công.
Đối với Khang Điền là doanh nghiệp sở hữu quỹ đất rộng lớn, có vị trí chiến lược tại khu Đông và khu Nam TP Hồ Chí Minh, tiêu biểu tại thành phố Thủ Đức.
Nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, trong bối cảnh quỹ đất hạn hẹp tại TP Hồ Chí Minh hiện nay, ở vị trí này với các dự án hạ tầng kết nối trọng điểm đã và đang triển khai như Metro số 1, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Vành đai 2, Vành đai 3…, giá trị quỹ đất của Khang Điền sẽ gia tăng theo thời gian. Bởi, hạ tầng kết nối ngày càng đóng vai trò quan trọng, dẫn lối trong việc thúc đẩy sự phát triển của các thị trường bất động sản vùng phụ cận TP Hồ Chí Minh.
Theo quan sát của Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS), giai đoạn 2021-2023, Khang Điền có thể ghi nhận doanh số bán hàng hơn 13.000 tỷ đồng từ cả dự án thấp tầng và cao tầng như Lovera Vista, Căn hộ Khang Điền – Bình Tân, Clarita và Corona City, Lovera Premier.
Giai đoạn sau 2023, doanh nghiệp có thể ghi nhận thêm doanh thu từ những dự án rất lớn trên 100 ha cần vốn đầu tư lớn và khai thác trong nhiều năm như khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng, Khang Điền Phú Hữu và khu dân cư Tân Tạo.
Về phía Nam Long, doanh nghiệp này xác định phát triển quỹ đất và kinh doanh nhà ở là 2 mảng kinh doanh mũi nhọn. Nam Long hướng tới việc phát triển các khu đô thị quy mô lớn 40 - 50 ha trở lên, song song phát triển các dự án nhỏ lẻ từ 1 ha. Đáng chú ý, Nam Long dự kiến dành khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm để phát triển quỹ đất mới.
Theo định hướng từ Nam Long, ít nhất trong 3 năm tới, 2 mảng này dự kiến tăng trưởng doanh số trung bình 85%/năm và tăng trưởng doanh thu trung bình 72%/năm.
Tổng giám đốc Nam Long Land Nguyễn Thanh Sơn cho biết, năm 2021, Nam Long dự kiến doanh thu riêng mảng nhà ở và khu đô thị khoảng hơn 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 550 tỷ đồng, bao gồm cả phần của liên doanh mà không hợp nhất vào công ty. Các dự án có thể hạch toán trong năm nay là các dự án thành phần của Southgate (Waterpoint giai đoạn 1), Akari City, Mizuki Park, Flora Novia và Nam Long - Cần Thơ.
Ở góc độ phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), Công ty này đánh giá Nam Long đang nhắm đúng phân khúc sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Doanh nghiệp đang tập trung vào phát triển các dự án khu đô thị có quy mô lớn, phân khúc sản phẩm nhà ở trung cấp hiện tại là phân khúc dẫn dắt thị trường với hơn 90% người mua có nhu cầu ở thật. Đây sẽ là cơ hội giúp nguồn cung căn hộ của doanh nghiệp này luôn được thị trường chào đón
Thực tế, để mở rộng quỹ đất, thị trường bất động sản ghi nhận nhiều giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) trong thời gian qua. Đơn cử, quý II vừa qua, Novaland đã mua lại một nhóm doanh nghiệp, qua đó sở hữu khu đất 660 ha tại phường Mũi Né và xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Hai dự án mới nằm trong kế hoạch M&A của Novaland là khu dân cư xã Phước Thiền tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Bình Châu – Phước Bửu tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Dự án khu dân cư xã Phước Thiền được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2020, có tổng diện tích khoảng 40 ha. Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Bình Châu - Phước Bửu được chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2007 và cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2008 với diện tích khoảng 22 ha.
Tổng giám đốc Novaland Bùi Xuân Huy chia sẻ, M&A là một trong những cách mà Novaland thường sử dụng trong chiến lược mở rộng quỹ đất, phát triển bền vững các dự án quy mô lớn của mình. Một thương vụ M&A quỹ đất thành công sẽ mở ra cơ hội gia tăng giá trị cộng hưởng cho toàn bộ hệ sinh thái của NovaGroup; trong đó, Novaland là thành viên; đồng thời đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021, Novaland đặt mục tiêu đến năm 2030 bổ sung quỹ đất 10.000 ha, nâng tổng quỹ đất lên 15.000 ha để chuẩn bị cho các giai đoạn phát triển tiếp theo.
Trưởng bộ phận tư vấn đầu tư Savills Hà Nội Lê Phương Lan cho rằng, khi quy mô thị trường lớn hơn, tiềm lực của các doanh nghiệp bất động sản trong nước mạnh hơn, đã đủ tích lũy về nguồn lực tài chính, bộ máy và quy trình thực hiện thì M&A là cách nhanh chóng để mở rộng quỹ đất và hoạt động kinh doanh.
Trên thị trường niêm yết, khép lại phiên giao dịch ngày 7/12, nhóm cổ phiếu bất động sản tăng mạnh sau chuỗi giảm mạnh 3 phiên liên tiếp. Cổ phiếu NVL của Novaland có thị giá 112.600 đồng/đơn vị, với khối lượng giao dịch hơn 3,3 triệu đơn vị. Cổ phiếu KHD của Khang Điền có thị giá 45.300 đồng/đơn vị, với khối lượng giao dịch hơn 1,1 triệu đơn vị. Cổ phiếu NLG của Nam Long có thị giá 31.200 đồng/đơn vị, với khối lượng gần 8,8 triệu đơn vị.
Như vậy, với mức giá này, cổ phiếu NVL, cổ phiếu KHD, cổ phiếu DXG ghi nhận tăng trưởng lần lượt ở mức 64%, 44% và 30% so với thời điểm đầu năm.