Bên cạnh đó, dãy đồi cát dài ven biển này còn ẩn chứa một khối lượng khoáng sản khổng lồ. Tuy nhiên, quy hoạch chưa đồng bộ, thiếu tầm nhìn, các dự án chồng lấn dự án, dẫn đến trì trệ trong quá trình phát triển của tỉnh, các nhà đầu tư không còn “mặn mà” với vùng đất này.
Bãi biển Đồi Dương, Phan Thiết đông nghịt du khách trong kỳ nghỉ lễ. Nguyễn Thanh/TTXVN |
Vì sao vùng biển Kê Gà "dậm chân" tại chỗ Vùng biển Kê Gà (xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam) được kỳ vọng sẽ là “Thủ đô resort” thứ hai của tỉnh Bình Thuận. Nhưng với dự án cảng Kê Gà đã biến vùng biển đang phát triển mạnh trở thành “thụt lùi” và “dậm chân” tại chỗ.
Trước năm 2007, nhận lời kêu gọi của UBND tỉnh Bình Thuận về đầu tư du lịch, nhiều nhà đầu tư từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội... đã đến và đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào xây các khu resort nghỉ dưỡng cao cấp nằm ven biển Kê Gà. Khu vực này trở nên sôi động và hứa hẹn thành điểm đến hấp dẫn khi có các dự án đã đi vào hoạt động như Thế giới Xanh và nhiều dự án khác đang trong giai đoạn xây dựng hoàn thiện như: Sao Mai, Thành Đạt, Đồi Phong Lan...
Tuy nhiên, đến năm 2007, chủ đầu tư các dự án resort khu vực Kê Gà bỗng nhận được thông báo của UBND tỉnh Bình Thuận, yêu cầu họ dừng triển khai xây dựng dự án các khu du lịch tại đây để thu hồi đất xây dựng cảng Kê Gà. Tháng 4/2008, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận thông báo chủ trương xây dựng cảng Kê Gà đến 12 chủ đầu tư khu du lịch và người dân đồng thời yêu cầu tất cả ngưng xây dựng, nhường đất cho dự án cảng biển mang tầm quốc gia.
Để tiến hành xây dựng cảng, UBND tỉnh Bình Thuận nhiều lần mời các chủ đầu tư lên làm việc để tính toán việc bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 12 dự án nằm trong vùng phải dừng hoạt động. Nhưng qua nhiều lần dự kiến khởi công cảng Kê Gà vẫn nằm trên giấy, không tiến hành như hứa hẹn ban đầu của chủ đầu tư.
Tháng 2/2013, nhận thấy dự án xây dựng cảng Kê Gà không hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngừng lại và giao các bộ liên quan phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận giải quyết hậu quả thiệt hại cho nhà đầu tư du lịch. Một năm sau, Chính phủ có quyết định chính thức dừng hẳn, xóa bỏ quy hoạch cảng Kê Gà.
Từ một vùng biển được kỳ vọng là một trong những điểm sáng du lịch của tỉnh, bỗng chốc trở thành hoang tàn. Do bị bỏ hoang quá lâu, hàng loạt resort, nhà hàng liên quan đến dự án cảng Kê Gà ngày càng xuống cấp trầm trọng. Tổng thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong những năm qua, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm kê thiệt hại của chủ đầu tư nhưng đến nay việc bồi thường vẫn còn nằm trên giấy.
Dự án chồng lấn dự án Với đường bờ biển dài, Bình Thuận có điều kiện phát triển du lịch và các dự án kinh tế - xã hội khác. Tuy nhiên, bên dưới dải đất ven biển này được đánh giá có trữ lượng và tài nguyên khoáng sản titan lớn nhất cả nước với 599 triệu tấn, chiếm 92% tổng trữ lượng quặng titan của cả nước. Và việc quy hoạch, cấp phép các dự án này chồng lấn lấn các dự án khác khiến Bình Thuận gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư phát triển.
Theo quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến titan đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt năm 2013, trên địa bàn tỉnh có 26 khu vực với tổng diện tích đưa vào quy hoạch titan là 19.527 ha. Tuy nhiên, trong 26 khu vực này có 18 khu vực chồng lấn với 46 dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khác đã được chấp thuận đầu tư trước đó với tổng diện tích 3.394 ha.
Ngoài diện tích 19.527 ha thuộc Quy hoạch titan phân bố dọc ven biển thì tiếp giáp với các khu vực này và các khu vực ven biển khác là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 06/5/2014 với diện tích 82.700 ha. Như vậy, tổng diện tích quy hoạch và dự trữ titan là 102.227 ha được phân bố từ các dãy đồi cát ven biển đến Quốc lộ 1A của tỉnh Bình Thuận. Qua đó, khu vực quy hoạch và dự trữ titan đã ảnh hưởng với hầu hết các quy hoạch ngành và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Điều 3 Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 06/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có khu vực dự trữ khoáng sản chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ. Theo Công văn số 4.764/BTNMT-ĐCKS ngày 21/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì việc chấp thuận các dự án kinh tế - xã hội trong khu vực dự trữ khoáng sản phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh, nhiều nhà đầu tư có đăng ký đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch ngành và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhưng tỉnh chưa thể chấp thuận đầu tư phải chờ ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án nằm trong vùng dự trữ titan. Từ năm 2014 đến nay, trong vùng dự trữ titan chỉ có 2 dự án điện mặt trời được Thủ tướng Chính phủ đồng ý triển khai và 3 dự án điện gió được Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng ý nhưng phải chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay các dự án thuộc diện chồng lấn đều phải tạm dừng để chờ kết quả điều tra và quy hoạch khai thác titan của Trung ương. Do quy hoạch này đã khiến các nhà đầu tư không còn “mặn mà” khi đến Bình Thuận. Không chỉ vậy, từ năm 2011 – 2016, đóng góp ngân sách của các doanh nghiệp khai thác chế biến titan trên địa bàn chưa tới 1% tổng thu ngân sách của tỉnh.
Tìm hướng ra cho quy hoạch
Theo UBND tỉnh, hiện nay Bình Thuận có 57 dự án đã xin đăng ký đầu tư khảo sát với tổng diện tích 15.160 ha nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia được tỉnh thống nhất chủ trương chấp thuận, các dự án này phù hợp với định hướng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch và mục tiêu xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch thể thao biển mang tầm quốc gia.
Trong 57 dự án nêu trên, UBND tỉnh đã có 19 văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương xem xét có ý kiến để tỉnh chấp thuận dự án. Đối với 37 dự án điện mặt trời thuộc 57 dự án trên, có 29 văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh (trong đó, có 6 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch điện, 5 dự án Bộ Công Thương đã tổ chức họp thẩm định).
Để thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Trung ương điều chỉnh Quy hoạch titan theo hướng cắt giảm diện tích thăm dò, khai thác. UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan sớm hoàn tất việc điều chỉnh Quy hoạch titan, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2018.
Đồng thời, tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan giải quyết các kiến nghị của UBND tỉnh Bình Thuận về Quy hoạch titan, về công tác quản lý hoạt động titan trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bình Thuận trong suốt quá trình lập, trình phê duyệt Quy hoạch titan để đảm bảo nội dung Quy hoạch titan thời gian tới phù hợp với điều kiện thực tế, ý kiến, nguyện vọng của nhân dân tỉnh Bình Thuận; mang tính khả thi cao.
Rà soát tổng quy mô trữ lượng, công suất khai thác của các mỏ đã cấp phép thăm dò, khai thác và hiện trạng đầu tư nhà máy chế biến sâu để quy hoạch phân kỳ cấp phép thăm dò, khai thác hợp lý, đảm bảo nguyên tắc khai thác gắn với chế biến sâu. Trường hợp chưa đầu tư được nhà máy chế biến sâu titan thì kiến nghị cơ quan liên quan tạm dừng cấp phép thăm dò, khai thác.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tạm dừng cấp mới giấy phép thăm dò quặng titan cho đến khi ban hành Quy hoạch titan điều chỉnh, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 11.408/VPCP-CN ngày 30/12/2016.
UBND tỉnh đề nghị rà soát thật kỹ những khu vực nào có trữ lượng, tài nguyên khoáng sản tương đối lớn, tập trung có khả năng sẽ đầu tư khai thác trong tương lai thì mới đưa vào dự trữ khoáng sản; các khu vực còn lại đề nghị đưa hẳn ra khỏi khu vực dự trữ titan để thuận lợi cho việc chấp thuận đầu tư các dự án khác.
Trong thời gian rà soát, đánh giá khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, trước mắt UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tỉnh Bình Thuận chấp thuận các dự án năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), nông nghiệp công nghệ cao và các dự án du lịch, dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đơn giản, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển năng lượng, quy hoạch nông nghiệp, quy hoạch du lịch... với điều kiện chủ đầu tư không được phép khai thác khoáng sản và phải chịu trách nhiệm bảo vệ khoáng sản dự trữ trong thời gian thực hiện dự án,… để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương phù hợp với kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 218/TB-VPCP ngày 11/5/2017 của Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương tại Công văn số 1888-CV/BKTTW ngày 03/10/2017 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, không phải báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành từng dự án riêng.