Quy hoạch đất đai ven biển: Để không còn lãng phí trong sử dụng

Thời gian qua, việc quản lý nhà nước về quy hoạch, sử dụng đất đai ven biển còn tồn tại không ít bất cập. Nhiều dự án đầu tư ven biển triển khai chậm, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất ven biển.

Cùng với đó là nhiều dự án bị bỏ hoang, lãng phí, bị xói mòn và nhiễm mặn. Để tìm ra giải pháp sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên đất ven biển, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng khoa Quản lý đất đai, Đại học Tài nguyên và Môi trường xung quanh vấn đề này.

Tỉnh Phú Yên quyết định thu hồi hơn 5,4 ha của dự án Khu nghỉ mát Long Beach thuộc Công ty Cổ phần Long Vân Hai Tám (năm 2017). Ảnh: Thế Lập/TTXVN

Ông nhìn nhận như thế nào về việc sử dụng đất đai ven biển hiện nay. Cụ thể chúng ta đã khai thác được các tiềm năng ven biển hay chưa?


Việt Nam có 28 tỉnh thành phố với bờ biển dài, khoảng 3.260 km, diện tích tự nhiên vùng ven biển khoảng 5,87 triệu ha/33 triệu ha diện tích tự nhiên cả nước. Như vậy, quỹ đất vùng ven biển là rất lớn và việc sử dụng đất vùng ven biển là một mục tiêu rất quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nước ta.

Để khai thác tốt tiềm năng đất đai vùng ven biển thì cần khai thác tốt vùng đất đó bằng cách đầu tư thâm canh hợp lý. Đây là mục tiêu rất quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào muốn khai thác đất đai.

Việt Nam có lợi thế tuyệt đối về sử dụng đất ven biển so với các quốc gia không có biển và lợi thế tương đối về sử dụng đất ven biển với các quốc gia có biển. Vì vậy việc khai thác các lợi thế này trong sử dụng đất đai là mục tiêu của các quốc gia; trong đó có Việt Nam.

Chúng ta tìm việc đầu tư trên đất sao cho đem lại hiệu quả cao nhất nhưng phát triển bền vững về vốn, khoa học, công nghệ.

Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có khoảng 1.591 dự án được quyết định cấp phép đầu tư, với tổng diện tích đất sử dụng 115.000 ha; nhưng chỉ có 590 dự án hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng. Như vậy, có thể thấy, việc khai thác sử dụng đất ven biển thời gian qua là chưa hiệu quả.

Việc quản lý, sử dụng đất đai ven biển hiện chưa được quan tâm gây ra sự lãng phí đất đai và ảnh hưởng đến không gian biển của cộng đồng. Theo ông nguyên nhân do đâu?


Hiện nay, theo Luật Đất đai thì quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch ruộng đất cấp tỉnh đến năm 2020 của 28 tỉnh, thành phố đã được Chính phủ xét duyệt; trong đó, có quy hoạch sử dụng đất ven biển. Như vậy, việc sử dụng đất ven biển đã được nhà nước quy hoạch và quản lý khai thác theo các phương án đã được duyệt.

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng đất ven biển, với mục tiêu thúc đẩy thu hút đầu tư thì trong thời gian dài vừa qua, các địa phương cũng mong muốn có thu hút đầu tư nói chung và ven biển nói riêng, nên chưa sàng lọc kỹ các năng lực của các nhà đầu tư khi tiến hành cấp phép đầu tư, cho thuê đất vùng ven biển.

Điều này gây ra thực trạng tại một số địa phương có tình trạng giao đất, cho thuê đất tương đối dễ dàng. Một số chủ đầu tư cũng không vì mục đích đầu tư phát triển kinh tế mà lại bao chiếm đất, găm giữ đất để làm lợi từ việc giao đất, cho thuê đất của nhà nước. Nhiều dự án bị bỏ hoang, gây lãng phí; triển khai chậm so với tiến độ được duyệt...

Nhìn nhận của cá nhân tôi cho thấy, một số nơi có hiện tượng không đầu tư đúng quy hoạch, quy hoạch treo, nhiều vùng ven biển nuôi trồng thuỷ sản phát triển tự phát, chưa theo quy hoạch chung; gây ra ô nhiễm vùng nước, nhiễm mặn nội đồng. Việc quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án "treo", gây lãng phí đất đai...

Người dân tại các địa phương vẫn thực hiện các biện pháp canh tác theo tập quán cũ, cơ cấu cây trồng không hợp lý, chưa chú trọng nhiều tính hiệu quả và bền vững trong khai thác sử dụng đất. Việc mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản cùng việc khai thác nước ngầm vượt ngưỡng tự bổ cập làm tình trạng đất nhiễm mặn ngày càng nghiêm trọng.

Cùng với đó là tác động của biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực đất ven biển bị xâm nhập mặn, ngập úng, bị khô hạn và hoang mạc hóa; tình trạng đất bị rửa trôi, xói mòn, sạt lở, bồi tụ, bồi lấp cửa sông cũng đang diễn ra...

Vậy theo ông, vai trò của cơ quan quản lý địa phương như thế nào đối với quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai các dự án ven biển?

Việc sử dụng đất ven biển nước ta cũng đã có nhiều thành công trong phát triển nông nghiệp, phát triển thương mại, dịch vụ, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều địa phương đã khai thác tốt phát triển thuỷ sản như ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhưng trong thời kỳ hiện nay, sử dụng đất cần hướng tới công nghệ, khai thác tối đa lợi thế so sánh tương đối và tuyệt đối của quốc gia thì việc sử dụng đất cần quản lý sát sao hơn, đặc biệt đất ven biển.

Sử dụng đất ven biển nước ta, nếu dùng cho công nghiệp thì mất cơ hội cho nông nghiệp, dịch vụ, du lịch và ngược lại. Vì vậy, việc sử dụng đất ven biển phải theo quy hoạch của nhà nước, từng vùng, từng tỉnh để làm sao khai thác tối đa nhất tiềm năng đất đai cho từng mục đích sử dụng cụ thể.

Đối với tỉnh, thành phố có đất ven biển, cần tìm ra các giải pháp để chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp truyền thống; chuyển dịch phương thức sản xuất theo hoạt động sản xuất tiên tiến như nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, điều dưỡng, vui chơi giải trí... Từ đó, giúp sử dụng đất đai một cách hiệu quả, tránh gây lãng phí nguồn lợi.

Về mặt chính sách, ông có gợi mở gì cho các nhà quản lý trong quy hoạch đất đai ven biển nhằm khai thác tốt các tiềm năng kinh tế ven biển?

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã khuyến nghị và đề xuất chính quyền các địa phương rà soát tình hình ruộng đất ven biển, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, kiên quyết thu hồi đất đã giao cho thuê mà sử dụng không đúng quy hoạch, không đúng đối tượng, chậm tiến độ.

Bộ này cũng đã khuyến cáo chính quyền địa phương triển khai, nghiên cứu tìm ra giải pháp chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp truyền thống sang phương thức sản xuất tiên tiến hơn để sử dụng đất ven biển hiệu quả hơn.

Về luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu để trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; trong đó, có quy định đối với dự án sử dụng đất tại ven biển…

Tuy nhiên, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đẩy mạnh việc điều tra cơ bản tài nguyên môi trường, tại các vùng ven biển, xác định ranh giới quản lý, giúp địa phương có sự phân chia vùng quản lý rõ ràng. Đồng thời thống kê, kiểm kê, đánh giá phân hạng thích nghi đất đai đối với một số các loại hình kinh tế nhất định; xây dựng dữ liệu tài nguyên ven biển nhằm sử dụng thống nhất cơ sở dữ liệu trong hoạch định các chính sách quy hoạch, phát triển ngành liên quan…

Trên cơ sở đó, có thể xây dựng hệ sinh thái phát triển lâm - ngư – nông kết hợp, hay phát triển công nghệ, du lịch, dịch vụ… tạo nên thế ổn định kinh tế của vùng đất ven biển ở các địa phương.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể nghiên cứu, ban hành nghị định riêng về quản lý đất ven biển, để làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý, sử dụng đất đai ven biển một cách hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!
 

Đức Dũng (thực hiện)
Sửa đổi, bổ sung nội dung đầu tư cho xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo
Sửa đổi, bổ sung nội dung đầu tư cho xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 596/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Điều 2 Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2017 phê duyệt Danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN