Bất cập nảy sinh
Theo rà soát của Bộ Xây dựng, thời gian qua, các luật có nội dung liên quan đến lĩnh vực nhà ở hiện hành được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới như: Bộ luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công... đã và đang làm nảy sinh một số quy định pháp luật liên quan chưa tương thích, cần điều chỉnh. Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Nhà ở năm 2014 không còn phù hợp với thực tiễn, thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS - Bộ Xây dựng) trong đợt rà soát các văn bản quy phạm pháp luật mới đây, đã chỉ ra các nội dung của Luật Nhà ở năm 2014 có liên quan đến các quy định của Luật Đất đai, như: Vấn đề sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài, quy hoạch sử dụng đất, quỹ đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở…
Ở góc độ thị trường, từ đợt dịch COVID-19 thứ 4 đến nay cho thấy, vấn đề nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp trong cả nước bộc lộ nhiều bất cập, dẫn tới nhiều khó khăn trong việc đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch và ổn định đời sống, việc làm của người lao động. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung các chính sách về phát triển nhà ở xã hội hiện nay là yêu cầu cấp thiết, để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đảm bảo Luật Nhà ở đi vào cuộc sống.
Theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Luật Nhà ở (sửa đổi) được Bộ Xây dựng xây dựng trên quan điểm phải thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong quản lý, phát triển nhà ở. Đồng thời, phát huy vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước về nhà ở trong việc thực hiện chính sách, pháp luật. Ngoài ra, Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong lĩnh vực nhà ở.
Thực tế trên cho thấy, Luật Nhà ở (sửa đổi) cần thiết phải ban hành trong thời gian tới, nhằm luật hóa các quy định, cơ chế về nhà ở, phát triển nhà ở đã được thực tiễn khẳng định, góp phần ổn định chính trị xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế.
Đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, vấn đề nhà ở, phát triển nhà ở được nhấn mạnh: “Giải quyết cơ bản yêu cầu về nhà ở cho cư dân đô thị, mở rộng các loại hình nhà ở; có chính sách hỗ trợ đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội”; “bố trí hợp lý khu dân cư và hỗ trợ phát triển nhà ở cho người dân tại các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu”. Nội dung này cho thấy sự cần thiết của Luật Nhà ở được thực thi ở trong giai đoạn phát triển đất nước hiện nay.
Thực tế, từ năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, trong đó yêu cầu: “Tăng cường chỉ đạo việc rà soát, đánh giá, tổng kết thi hành pháp luật để chủ động tháo gỡ các vướng mắc, bất cập đang cản trở đến hoạt động phát triển kinh tế, tạo động lực mới thông qua việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật; hỗ trợ, thúc đẩy các thành phần kinh tế khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch COVID-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội… ”.
Mới đây, ngày 30/1/2022, tại Nghị quyết số 13/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2022, Chính phủ thống nhất sửa đổi Luật Nhà ở. Chính phủ thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Nhà ở để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho người dân; hoàn thiện các chính sách về nhà ở còn tồn tại, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với Luật Đất đai và các luật khác có liên quan.