Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 đạt 7,54% (mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây). Điều đó cho thấy dòng tiền đã được đổ vào nền kinh tế.
Trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), tín dụng có mức tăng trưởng đạt 6,35%. Đây là mức tăng trưởng cao nếu so với cùng kỳ năm 2016 (chỉ đạt 5%).
Cần cân nhắc trước quyết định siết chặt dòng tiền đổ vào BĐS. |
Nhiều ý kiến lo ngại, tín dụng đổ nhiều vào BĐS thay vì các lĩnh vực sản xuất sẽ không đóng góp nhiều vào tăng trưởng GDP chung, thậm chí còn góp phần tạo nên bong bóng, gây bất ổn cho nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng nếu trúng vào những lĩnh vực Chính phủ ưu tiên, những lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo ra sản phẩm thì đó là dấu hiệu tích cực. Nhưng nếu tín dụng tăng tập trung vào lĩnh vực BĐS, nhất là phân khúc nhà ở cao cấp thì lại là vấn đề đáng lo ngại.
Sự lo ngại đó là có cơ sở. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, có thể nói tín dụng đổ vào BĐS vẫn ở ngưỡng an toàn. Báo cáo tình hình kinh tế 6 tháng của Tổng cục Thống kê nêu: "Cơ cấu tín dụng đang tiếp tục theo hướng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các dự án lớn, trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ".
Chính Ngân hàng Nhà nước hồi tháng trước cũng đã nhận định: Chất lượng tín dụng có những điều chỉnh phù hợp, tích cực với quy mô nền kinh tế. Khoảng 80% tổng tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, không phải là BĐS. Ví dụ, tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao, chỉ trong thời gian ngắn sau phát động từ Chính phủ, đã đạt tới 26.000 tỷ đồng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, các ngân hàng đã hướng tín dụng ưu tiên vào hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS hay các dự án đầu tư BT, BOT… Ngân hàng Nhà nước luôn nhắc nhở các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn hệ thống.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, bà Đỗ Thu Hằng, chuyên gia nghiên cứu thị trường BĐS của Savills Hà Nội nhận định, thị trường căn hộ để bán nhận được sự hỗ trợ rất nhiều của ngân hàng mới có được sự phát triển như hiện nay. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng có thể mua được nhà nhờ các gói hỗ trợ của ngân hàng.
"Thị trường rất sôi động trong nửa đầu năm 2017. Đến bất cứ dự án nào ta cũng thấy có các gói hỗ trợ của ngân hàng, thời gian ân hạn… Không thấy vắng bóng ngân hàng trong các dự án phát triển BĐS. Rõ ràng ngân hàng đang tham gia rất sâu vào các hoạt động phát triển BĐS và thị trường không thể thiếu sự hỗ trợ này", bà Hằng cho hay.
Siết vào đâu?Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Trần Nam cho rằng cần thiết quản lý chặt chẽ nguồn tín dụng với nhà cao cấp nhưng vẫn cần có các gói tín dụng cho nhà giá rẻ.
"Hiện nay, tỷ trọng tín dụng BĐS vẫn an toàn, ở mức dưới 10%, nhưng lại tập trung vào một số doanh nghiệp lớn. Như vậy lại là không an toàn. Do đó, cần điều chỉnh lại cơ cấu tín dụng BĐS để phân tán độ rủi ro", ông Nam nhận định.
Ông Nam phân tích thêm, ở giai đoạn trước, bong bóng BĐS vỡ cũng bắt nguồn từ phân khúc cao cấp, khi cả ngân hàng và doanh nghiệp địa ốc đều tập trung vào phân khúc này mà bỏ quên phân khúc căn hộ giá rẻ. Khi bong bóng vỡ, để vực dậy thị trường, Chính phủ đã đưa ra gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho phân khúc nhà ở giá rẻ, làm ấm lại phân khúc này rồi từ đó lan dần ra cả thị trường. Việc siết tín dụng BĐS theo kiểu “vơ đũa cả nắm” cần được nhìn nhận lại, bởi phân khúc căn hộ giá rẻ vẫn có nhu cầu rất lớn.
Như vậy, việc siết tín dụng cho BĐS ở thời điểm này là chưa cần thiết. Nếu có, chỉ nên siết tín dụng đổ quá nhiều vào nhóm BĐS cao cấp, nghỉ dưỡng và một nhóm doanh nghiệp lớn. Nếu siết mạnh nguồn vốn cho BĐS có thể gây tác động ngược.
"Muốn siết tín dụng BĐS, phải phân tích rất kỹ thị trường trên cơ sở dự báo trung và dài hạn. Thị trường BĐS hiện đang hồi phục từ từ, cần phải để nó tiếp tục phục hồi bền vững. Hiện nay, khoảng 70% tài sản đảm bảo của tín dụng ngân hàng nằm ở BĐS. Thị trường BĐS phục hồi sẽ giúp xử lý nợ xấu, tăng trưởng kinh tế", chuyên gia kinh tế TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Còn ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT Reenco Sông Hồng, Phó chủ tịch CLB BĐS Hà Nội cho rằng, vai trò của ngân hàng là phải giữ ổn định thị trường BĐS, điều hành BĐS như đồng tiền, không để tăng giá cao quá nhưng cũng không để giảm giá thấp quá.
"BĐS giảm thì kinh tế sẽ lao đao. Do đó các ngân hàng cần đảm bảo để thị trường này phát triển ổn định. Phân khúc nhà ở xã hội cần được tạo điều kiện. Còn các phân khúc khác thì để theo cơ chế thị trường, có cầu thì có cung.
Lãi suất ngân hàng cần giảm thêm và cần cải cách cả cơ chế cho vay để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh", ông Điệp đề xuất.