TP Hồ Chí Minh gỡ vướng cho doanh nghiệp bất động sản

Tại hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 10/4, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố hiện có % nhà kiên cố, số còn lại là bán kiên cố và nhà tạm, trong khi dân số tăng hàng năm của thành phố rất nhanh, nhu cầu nhà ở rất lớn. Vì thế đây là thị trường tiềm năng để doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đầu tư.

Chú thích ảnh
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo hội nghị. 

Để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân giao UBND thành phố có văn bản yêu cầu các Sở phải xây dựng và công khai quy trình, thời gian giải quyết hồ sơ; đồng thời nghiên cứu phát triển các loại dịch vụ đa dạng trong sản phẩm bất động sản khu vực nội thành, tăng mảng xanh, chiếu sáng để không ảnh hưởng nhiều đến xây dựng mới, qua đó xây dựng thành phố đẹp hơn, văn minh và đáng sống hơn.

“Trong giải quyết hồ sơ dự án, không để tình trạng người đứng đầu trả lời không biết làm thế nào, chuyên viên không trình lên cấp trên do chưa biết phải làm sao”, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã tổng hợp và gửi nhiều kiến nghị của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên địa bàn mong muốn được lãnh đạo thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. HoREA kiến nghị thành phố và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết có tình, có lý đối với hơn 30 dự án còn đang được các cơ quan chức năng rà soát, thanh tra, vừa bảo đảm nguyên tắc không làm thất thoát tài sản công vừa không ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người mua nhà.

HoREA cũng kiến nghị thành phố và các sở, ngành sớm kết luận, xử lý khoảng 300 mặt bằng đất công thuộc diện bị thu hồi, cho tiếp tục các dự án bất động sản thuộc diện bị rà soát về các thủ tục pháp lý và hành chính nhưng chưa có quyết định đình chỉ, khẩn trương xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất dự án…

Chú thích ảnh
Đại diện doanh nghiệp trình bày các khó khăn, và nêu kiến nghị với lãnh đạo UBND thành phố. 

Theo ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nam Long, các chính sách từ luật đến nghị định, thông tư hướng dẫn về lĩnh vực bất động sản đang có sự chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi dẫn đến trong quá trình triển khai có nhiều dự án bị thanh tra kiểm toán kéo dài. Những vướng mắc này đã được lãnh đạo thành phố tìm cách tháo gỡ nhưng vẫn cần giải quyết từ tầm cao hơn. Trong khi đó, việc các dự án ngưng trệ đã dẫn tới việc thiếu nguồn cung, đẩy giá lên cao.

Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết, hiện Tập đoàn đang có một số dự án chưa được duyệt tiền sử dụng đất nên chưa thể cấp giấy chứng nhận quyền sử hữu nhà ở cho khách hàng, dẫn tới khiếu nại, khiếu kiện.

Đại diện Tập đoàn Novaland kiến nghị thành phố sớm phê duyệt tiền sử dụng đất để doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ, tiếp tục triển khai các dự án.

Trong khi đó, Tiến sĩ Đỗ Thị Loan, Phó chủ tịch HoREA kiến nghị thành phố nên tiến hành thanh tra dự án Bình Trưng Đông, quận 2 quy mô 154 ha vì dự án khéo dài hơn 16 năm, có nhiều chủ đầu tư tham gia nhưng không bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng cũng như không đầu tư hạ tầng cho dự án.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị.

Thông tin lại các ý kiến của doanh nghiệp, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, sự phát triển của thành phố có sự đóng góp rất lớn của doanh nghiệp bất động sản. Ngoài ra, thành phố cũng rất chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp khi các dự án ngưng trệ do bị thanh kiểm tra, chủ đầu tư áp lực về lãi suất vay ngân hàng, áp lực khách hàng, đối tác; trong đó có đối tác nước ngoài.

Đáng lưu ý, thành phố chịu áp lực về phát triển, thu ngân sách mỗi ngày hơn 1.000 tỷ đồng cũng như áp lực về sự yếu kém của một số cán bộ. Vì vậy, thời gian tới, thành phố sẽ kiên quyết điều chuyển những cán bộ quận, huyện thiếu trách nhiệm, sợ và đùn đẩy trách nhiệm.

“Trong tổng số 124 dự án chậm tiến độ, những dự án nào đang thanh tra có kết luận sai phạm, đang được công an thụ lý thì phải dừng lại, còn những dự án nào không rơi vào trường hợp trên thì UBND thành phố sẽ làm việc với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ tháo gỡ khó khăn để tiếp tục khởi động, triển khai. Thành phố cũng đang xin Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm rút ngắn quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng từ 360 ngày xuống còn 240 ngày”, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết thêm.

Dưới góc độ quản lý cấp sở ngành, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ cuối tháng 12/2018, thành phố đã kiến nghị Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường  6 vấn đề; trong đó có vấn đề xử lý đất công diện tích nhỏ đan xen trong dự án và quy trình rút ngắn thời gian duyệt giá đất.

Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, hiện có 75% dự án bất động sản trên địa bàn khi đầu tư phải làm hạ tầng, chuyển mục đích sử dụng đất, lập quy hoạch 1/500, công nhận chủ đầu tư… Thủ tục lòng vòng, không rõ trình tự trước sau nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, khiến một số dự án khó có cơ hội triển khai. Đến năm 2020, thành phố đề ra chỉ tiêu xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội từ 39 dự án nên doanh nghiệp có cơ hội để tham gia. Tuy nhiên hiện nay thủ tục và chính sách chưa hấp dẫn doanh nghiệp.

Tin, ảnh: Trần Xuân Tình (TTXVN)
Doanh nghiệp Nhật Bản: Thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn nhất Đông Nam Á
Doanh nghiệp Nhật Bản: Thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn nhất Đông Nam Á

Ngày 9/4, Giám đốc công ty Global Link Cooperative của Nhật Bản Yoshinori Nakata khẳng định thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn nhất Đông Nam Á.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN