TP Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp khơi thông dòng vốn bất động sản

Ngày 29/5, tại diễn đàn Tài chính – Bất động sản 2024 với chủ đề “Khơi dòng vốn, đón cơ hội phục hồi”, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp giúp khơi thông dòng vốn thị trường bất động sản.

Chú thích ảnh
Thị trường bất động TP Hồ Chí Minh cần được khơi thông dòng vốn đế khôi phục trở lại trong thời gian tới. 

Củng cố chất lượng thị trường 

Theo các chuyên gia kinh tế, mới đây, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất đẩy thời gian có hiệu lực của ba bộ luật liên quan (bao gồm Luật Đất Đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản) từ ngày 1/7/2024, thay vì ngày 1/1/2025. Việc ba bộ luật trên có hiệu lực sớm 6 tháng là một bước đi quan trọng trong nỗ lực củng cố chất lượng thị trường bất động sản và giúp thị trường sớm phục hồi. 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, các quy định mới sẽ có tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản. Cụ thể, hỗ trợ phát triển chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030. Ngoài ra, năm 2023 cho thấy, thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Theo đó, thị trường sẽ bắt đầu phục hồi từ cuối năm 2024, tuy chậm mà chắc. Dự báo, thị trường bất động sẽ tăng trưởng trở lại bình thường vào năm 2025 do “độ trễ” của các chính sách. 

Theo ông Lê Hoàng Châu, ngoài những trợ lực từ các Luật được sửa đổi, hiện nay thị trường bất động sản muốn phục hồi phải giải quyết bài toán khó nhất là vốn, bởi chỉ khi nào nhà đầu tư xuống tiền thì thị trường mới hồi phục cơ bản và bền vững. Còn nhìn từ phía người vay, khi lãi suất các khoản vay mới thấp nhưng các khoản vay cũ vẫn còn cao, điều này không công bằng cho người vay cũ. Vì vậy, cần có những chính sách cho vay hợp lý hơn để người vay được tiếp cận nguồn vốn khi đầu tư vào bất động sản. 

Chú thích ảnh
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) chia sẻ thông tin.

Tương tự, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, việc sửa đổi các bộ Luật liên quan đến bất động sản và được áp dụng sớm hơn dự kiến sẽ trở thành “trợ lực” hỗ trợ cho thị trường bất động sản phục hồi trong thời gian tới. Cụ thể, Luật Đất đai 2024 với cơ chế tiếp cận đất đai khác nhau giữa các phân khúc thị trường, dự kiến sẽ giúp cho các nhà đầu tư có nhiều lựa chọn khi quyết định đầu tư. Ngoài ra, nhiều quy định cải cách, cắt giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân cập nhật các thông tin, dữ liệu về đất đai, tăng sự giám sát việc thực thi xây dựng chính sách về quản lý, sử dụng đất đai của các nhà quản lý...

Cần nhà đầu tư xuống tiền 

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến hiện nay, hoạt động tín dụng lĩnh vực bất động sản tại địa phương đã và đang có xu hướng tăng trưởng, gắn liền với những chuyển biến tích cực hơn từ thị trường này. Cụ thể, tính đến cuối tháng 4/2024, tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt khoảng 981.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 33% tổng dư nợ tín dụng bất động sản cả nước và tăng 1,61% so với cuối năm 2023. Điểm nổi bật của tín dụng lĩnh vực bất động sản tại TP Hồ Chí Minh các tháng vừa qua, đó là gắn liền với những chuyển biến tích cực thực tế từ các phân khúc thị trường và sự phục hồi của từng loại hình bất động sản.

Trong đó, với mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp, hoạt động cho vay mua nhà để ở, xây và sửa chữa nhà ở, chuyển quyền sử dụng đất để xây nhà ở… được nhiều tổ chức tín dụng chú trọng. Điều này khiến tỷ trọng các khoản vay bất động sản với mục đích sử dụng chiếm tới % tổng dư nợ cho vay bất động sản tại TP Hồ Chí Minh trong 4 tháng qua. Bên cạnh đó, phân khúc bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất cũng có mức tăng trưởng mạnh 9,3% so với cuối 2023, đạt khoảng 44.600 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Các dự án bất động sản tại khu vực phía Đông TP Hồ Chí Minh đang nóng trở lại do du cầu mua nhà của người dân bắt đầu hồi phục. 

“Điều này cho thấy, chính sách lãi suất thấp không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vay vốn mua sắm nhà ở mà cũng đã kích thích mở rộng, phát triển các hoạt động đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp... Chưa kể, từ đầu năm đến nay, sự hồi phục của thị trường đã kích thích các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vào các phân khúc nhà, đất có nhu cầu vốn và tiềm ẩn ít rủi ro”, ông Lệnh nói.

Theo ông Hoàng Huy, Giám đốc Phòng Nghiên cứu Khách hàng Tổ chức, Khối Phân tích, Công ty chứng khoán Maybank, dòng tiền của doanh nghiệp đang có những tín hiệu cải thiện tích cực. Cụ thể, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đã bắt đầu quay trở lại, mặt bằng lãi suất thấp cũng khiến người mua mạnh dạn giải ngân hơn trong bối cảnh Chính phủ cho phép các dự án tái khởi động. Một số doanh nghiệp chủ động phát hành cổ phiếu, bán tài sản, giảm đòn bẩy nợ. 

"Sắp tới, để khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp, cần tập trung chủ yếu ở các giải pháp tình thế, từ đàm phán gia hạn trái phiếu đến tập trung vào tín dụng ngân hàng. Mặt khác, cần tăng cường huy động thêm vốn, tức tăng vốn chủ sở hữu. Theo thống kê, doanh nghiệp bất động sản niêm yết đang có kế hoạch phát hành lượng vốn kỷ lục. Tuy nhiên, kênh này cũng đang vẫn bị “kẹt” và kỳ vọng được tháo gỡ, đẩy mạnh hơn trong thời gian tới nhằm nâng cao nội lực cho các doanh nghiệp", ông Hoàng Huy cho biết thêm.

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Bất động sản công nghiệp 'hưởng lợi' từ phát triển của ngành bán dẫn 
Bất động sản công nghiệp 'hưởng lợi' từ phát triển của ngành bán dẫn 

Nhu cầu đầu tư sản xuất, lắp ráp bán dẫn đã kéo theo sự gia tăng trong việc tìm kiếm nhà xưởng, khu công nghiệp đáp ứng được tốt các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, dịch vụ của ngành bán dẫn, nhất là nguồn điện ổn định, internet tốc độ cao và hệ thống xử lý nước hiệu quả. Từ đó đặt ra yêu cầu về nâng cấp chất lượng và hệ thống nhà xưởng đối với các chủ đầu tư tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN