Trong thời gian qua, khối nợ xấu bất động sản (BĐS) hầu như đứng im, điều này đã biến các ngân hàng, vốn là chủ nợ trở thành “tù binh” của các con nợ. VAMC ra đời với tham vọng bán được nợ xấu cũng đang rơi vào bế tắc và trở thành “kho chứa” BĐS. Lối thoát nào cho nợ xấu BĐS hiện đang là bài toán đang được nhiều chuyên gia, cơ quan nhà nước “mổ xẻ” để tìm lời giải đáp.
Gánh nặng nợ xấu
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng, hiện nợ xấu BĐS ước chỉ còn 8.500 - 10.000 tỷ đồng (khoảng 4%). Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nợ xấu BĐS còn nhiều hơn như thế. Thực tế, số liệu trên chỉ là nợ xấu của các đại gia BĐS, còn nợ xấu BĐS khác núp dưới danh nghĩa sản xuất thì cao hơn gấp nhiều lần con số trên.
Dự án Petroland Mark quận 2 bất động gần 4 năm nay do chủ đầu tư cạn vốn, không thể tiếp tục xây dựng trong khi vẫn phải lo trả nợ xấu ngân hàng. |
Ts. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn tài chính, tiền tệ Quốc gia, cho biết, nguyên nhân các doanh nghiệp (DN) trước đây đều kinh doanh đa ngành, phần lớn DN nào cũng có miếng đất làm tài sản. Theo đó, khi vay ngân hàng DN nào cũng lấy đất làm tài sản thế chấp... Không chỉ thế, còn rất nhiều gia đình cũng vay ngân hàng đều có tài sản thế chấp bằng BĐS. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu BĐS và nợ xấu liên quan BĐS đang chiếm đa số trong tổng nợ xấu hiện nay của các ngân hàng. Chưa hết, nợ xấu BĐS đang có nguy cơ phình lên khi tổng kho BĐS còn rất lớn và trong cảnh lãi mẹ đẻ lãi con bởi phần lớn lãi vay các dự án BĐS là 12%/năm.
Đáng lo ngại, việc xử lý nợ xấu trong thời gian qua biến chuyển chậm. Theo một lãnh đạo ngân hàng TMCP, các nợ xấu BĐS ngân hàng xử lý được phần lớn là những khoản nợ nhỏ lẻ của dân cư và DN nhỏ và vừa. Với những khoản nợ BĐS thuộc tập đoàn, DN lớn thì ngân hàng chưa xử lý được vì vướng nhiều thủ tục rườm rà, mối quan hệ phức tạp... Đây cũng chính là nguyên nhân nhiều DN chây ì trả nợ và ngân hàng trở thành “tù binh” của con nợ.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, cần phải cơ cấu lại các sản phẩm dự án BĐS, bởi hiện nay các dự án này có diện tích quá lớn, giá tiền quá cao, qua 10 năm nữa vẫn không bán được do không phù hợp với nhu cầu thị trường. |
Ngay cả Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng không thể đẩy nhanh được tiến độ xử lý nợ xấu. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HDDTV VAMC cho biết, tính đến cuối năm 2014 VAMC đã mua vào hơn 100.000 tỷ đồng nợ xấu, song mới thu hồi được tổng cộng gần 4.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, số tiền thu hồi qua hình thức bán tài sản đảm bảo chưa đến 1.000 tỷ đồng dù VAMC nhiều lần phối hợp với các tổ chức tín dụng tổ chức đấu giá tài sản nhiều lần, thậm chí đến lần thứ 5, thứ 7 nhưng vẫn không thành công, kể cả tài sản bảo đảm phát mại với giá thấp hơn hoặc theo giá thị trường.
Giải bài toán nợ xấu
Theo phản ánh của VAMC, vướng mắc lớn nhất trong việc xử lý tài sản đảm bảo BĐS hiện nay vẫn là thủ tục và sự phối hợp với các đơn vị liên quan. Cụ thể, muốn xử lý tài sản đảm bảo là BĐS, ngân hàng cần có sự phối hợp của các cơ quan nhà nước có liên quan như: Tòa án, văn phòng nhà đất, chi cục thuế, công an, ủy ban nhân dân... Ngoài ra, theo quy định, để bán được tài sản đảm bảo, ngân hàng cũng phải được sự đồng ý của con nợ. Thế nhưng, nhiều khách hàng cố ý chống đối, không chịu ký bàn giao tài sản. Chưa kể, nhiều tài sản đã cầm cố cho ngân hàng, nhưng nhiều khách hàng vẫn mang đi cho thuê, bán... dẫn đến tranh chấp tài sản, kiện cáo khiến càng khó xử lý nợ xấu.
Nhiều chuyên gia lo ngại, một khi VAMC chưa thể xử lý tốt tài sản đảm bảo thì VAMC cũng chỉ là kho chứa nợ. Nếu để lâu dài, khoảng 5 năm nữa thì khối tài sản này sẽ gây hậu quả khôn lường. Tuy nhiên, với tiềm lực của các nhà đầu tư trong nước hiện nay, việc giải quyết nợ xấu sẽ rất khó. Điều cần lúc này là sự “giúp đỡ” của các nhà đầu tư nước ngoài. “Rất may, hiện rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến nợ xấu của Việt Nam, đây là hy vọng rất lớn VAMC. Song, rào cản lớn nhất hiện nay là Luật Đất đai vẫn chưa cho phép người nước ngoài được sở hữu BĐS, cộng với vô số vướng mắc khi xử lý tài sản đảm bảo. Do đó, cần có sự thay đổi về luật”, TS Lê Xuân Nghĩa cho hay.
Cũng theo TS Lê Xuân Nghĩa, đã có 500 hồ sơ bán nợ được VAMC chuyển cho các nhà đầu tư nước ngoài cùng với cam kết giữ bí mật, song đến nay các nhà đầu tư chưa trả lời do các nhà đầu tư này muốn khối tài sản nợ được mua lại phải toàn quyền sở hữu của họ thế nhưng điều này VAMC không thể hứa được. Đây là nguyên nhân các nhà đầu tư nước ngoài không dám “rót” mấy chục ngàn tỷ đồng để mua nợ.
Thực tế, việc mua bán nợ đang đụng chạm tới 11 bộ luật và 7 nghị định. Nếu sửa lại từng bộ luật, nghị định sẽ mất nhiều thời gian. Do đó, nhiều chuyên gia đề xuất Quốc hội nên thông qua một Nghị quyết về nợ xấu, gỡ vướng tất cả 11 bộ luật và 7 nghị định trên. Ngoài ra, NHNN nên dùng nguồn tiền dự trữ để xử lý nợ xấu mà không cần dùng đến ngân sách, song phải có cơ chế mở đường. TS Nghĩa cho biết thêm, hiện nay Việt Nam có một nguồn dự trữ ngoại tệ khá lớn và một nguồn tiền lên tới 100.000 tỷ từ công ty Quản lý vốn của Nhà nước.
Bài và ảnh: Hải Yên