Kiên Giang và Cà Mau là hai tỉnh ven biển liền kề thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở cực Nam đất nước. Từ trước đến nay, ngư dân hai tỉnh xem vùng biển này là ngư trường đánh bắt thủy sản chung, phát triển mạnh nghề khai thác biển.
Phương tiện công suất nhỏ đánh bắt thủy sản ven bờ trên vùng biển Kiên Giang. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN |
Những cuộc tranh chấpTính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, trên vùng biển Kiên Giang đã xảy ra hàng chục vụ tranh chấp ngư trường giữa nghề ốc mực, lưới ghẹ với nghề cào và tàu cá xâm phạm khai thác trái phép sò nuôi ở bãi bồi ven biển…
Đặc biệt mới đây, vụ việc xảy ra đêm 2/7 trên vùng biển Xẻo Nhàu (An Minh) rất nghiêm trọng và phức tạp. Khi các lực lượng chức năng phối hợp làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, giải quyết tranh chấp ngư trường trên biển thì một số ngư dân Hà Tiên đã chống người thi hành công vụ, bắt giữ người trái pháp luật đưa về Hà Tiên. Lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang đã bắt tạm giam các đối tượng vi phạm pháp luật và khởi tố vụ án…
Trung tá Lê Dũng Sỹ, Phó Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, cho biết tranh chấp ngư trường phần lớn giữa tàu ốc mực với tàu lưới cào. Trên vùng biển Kiên Giang, nhất là khu vực từ quần đảo Nam Du đến đảo Phú Quốc đều có tàu ốc mực “nằm nền” làm cho hoạt động khai thác của tàu lưới cào gặp khó khăn, bất lợi và nếu muốn vào đánh bắt thì phải “chung chi” cho tàu ốc mực. Ngư dân Kiên Giang gọi là “phân lô, bán nền” trên ngư trường, chưa từng xảy ra trong hoạt động khai thác biển.
Qua điều tra của lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang, hàng ngàn tàu công suất nhỏ dưới 90 CV, phần lớn làm nghề ốc mực, lưới ghẹ ra các vùng khai thác thả bẫy ốc, lưới ghẹ làm mất đi ngư trường đánh bắt thủy sản của các phương tiện khác.
Đặc biệt là tàu ốc mực, sau khi thả bẫy ốc mực thì họ “nằm nền” cố định, mặc nhiên xác định quyền sử dụng trên một vùng biển rộng lớn. Tàu lưới cào muốn vào khai thác đánh bắt khu vực đó thì thông qua môi giới thỏa thuận, chung chi với giá 2 triệu đồng/đêm cho tàu ốc mực.
Ngược lại, nếu tàu lưới cào không thỏa thuận, mặc nhiên vào khai thác đánh bắt làm hư hỏng hoặc cuốn trôi mất bẫy ốc mực thì xảy ra xung đột, va đập tàu thuyền, đánh nhau trên biển.
Cùng với đó, trên vùng biển Cà Mau, một số phương tiện đánh bắt thủy sản công suất lớn của tỉnh Kiên Giang thường xuyên vào sâu trong khu vực tuyến lộng, thuyến bờ khai thác dẫn đến va chạm, tranh chấp ngư trường với các phương tiện công suất nhỏ làm nghề lú, lưới, đáy hàng khơi và bẫy mực bằng vỏ ốc.
Ông Diệp Hoàng Ân, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau cho hay: Trong 6 tháng đầu năm 2016 tình hình tranh chấp ngư trường giữa ngư dân hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang không giảm mà có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, có tổ chức và quy mô lớn.
Theo Đại tá Lương Hoàng Đông, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, tình hình hoạt động sai vùng, sai tuyến, xâm hại vùng cấm khai thác đánh bắt trên biển dẫn đến tranh chấp ngư trường trong thời gian qua diễn ra phức tạp, có chiều hướng gia tăng.
Các phương tiện cào khơi của tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Bạc Liêu… vào sâu trong vùng lộng, vùng biển ven bờ để hoạt động dẫn đến va chạm, tranh chấp khai thác với các phương tiện nghề lú, lưới, ốc mực, đáy của ngư dân Cà Mau và xảy ra nhiều vụ xung đột, xô xát, va chạm tàu thuyền, đâm húc nhau gây mất an ninh trật tự trên biển.
Phối hợp quản lý kiểm soátMới đây, lãnh đạo của 2 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang và Cà Mau tổ chức cuộc họp, thống nhất đưa ra các giải pháp hữu hiệu, phối hợp quản lý, kiểm soát ngư trường, kiềm chế và triệt tiêu các vụ tranh chấp, ổn định an ninh trật tự trên vùng biển Tây Nam bộ.
Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau khẳng định: “Để giải quyết vấn đề tranh chấp ngư trường trên biển hiện nay, hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang thống nhất xây dựng quy chế phối hợp quản lý, kiểm soát ngư trường vùng biển Tây Nam bộ. Theo đó, phân công giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng ngành, đơn vị chức năng của hai tỉnh thực thi. Đặt công tác tuyên truyền trong cộng đồng ngư dân là nhiệm vụ hàng đầu để nâng cao hơn nữa ý thức của ngư dân về chủ quyền biển, đảo quốc gia, khai thác và bảo vệ tài nguyên biển.”
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết thêm: “Trước tình hình tranh chấp trên biển phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giao nhiệm vụ cho Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng xây dựng quy chế phối hợp giữa biên phòng, nông nghiệp, công an và một số ngành có liên quan. Vấn đề cốt lõi của quy chế phối hợp này là ổn định trật tự an ninh trên biển, ngăn chặn mầm mống, kiềm chế và triệt tiêu các vụ tranh chấp ngư trường, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân an tâm ra khơi khai thác đánh bắt thủy sản đạt hiệu quả”.
Trước mắt, ngành chức năng hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau thông qua các hình thức như: tọa đàm, phát tờ rơi, tài liệu, phương tiện thông tin, hội nghề cá, tổ đội liên kết, hợp tác sản xuất trên biển… đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận ngư dân về biển - đảo; những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về biển - đảo.
Qua đó, ngư dân ý thức sâu sắc hơn “biển là ngư trường khai thác chung của tất cả ngư dân, không của riêng một ai; biển - đảo là chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bất khả xâm phạm. Mọi người dân phải có nghĩa vụ bảo vệ, khai thác đi đôi với tái tạo, khôi phục nguồn tài nguyên biển”. Khơi gợi trong cộng đồng ngư dân tình đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ và cùng chia sẻ khó khăn khi gặp hoạn nạn, thiên tai trên biển.
“Kiên Giang thuê ngành chức năng khảo sát lại toàn bộ ngư trường vùng biển của tỉnh về các loại hình khai thác đánh bắt hiện nay, đồng thời phân định lại vùng đánh bắt cho từng loại ngành nghề. Giảm dần tàu công suất nhỏ đánh bắt ven bờ và tàu lưới cào gây tổn hại nguồn lợi thủy sản trên cơ sở hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngư dân chuyển đổi nghề, cải hoán, nâng cấp công suất tàu vươn ra đánh bắt xa bờ”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm cho hay.
Tiếp đến, để ngăn chặn tình trạng tranh chấp ngư trường, ổn định an ninh trật tự trên vùng biển Tây Nam bộ, lực lượng chức năng hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau phối hợp điều tra, xử lý nghiêm việc “phân lô, bán nền” trên biển. Đồng thời bám biển tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn kịp thời các vụ tranh chấp, xung đột trên biển.
Mặt khác, thu thập đầy đủ thông tin, làm rõ sai phạm và xử lý những vụ tranh chấp trên ngư trường đã xảy ra trong thời gian qua theo quy định của pháp luật. Các đồn biên phòng kiểm soát chặt chẽ việc ra biển đối với các tàu cá, nhất là những phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không có giấy phép khai thác đánh bắt thủy sản và kiên quyết không cho xuất bến.