Hiện đại hóa nền hành chính phục vụ nhân dân - Bài 1: Bước chuyển lớn từ chủ trương

Được triển khai từ năm 2016, đến nay, Đề án Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau đã góp phần hoàn thiện kiến trúc chính quyền điện tử trong tỉnh, từ đó, hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư, nâng cấp đảm bảo cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh vận hành ổn định, thông suốt, an toàn.

Chú thích ảnh
Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh Cà Mau được đánh giá là một trong những đơn vị có hiệu suất công việc nằm trong tốp đầu cả nước, đặc biệt nếu so với mặt bằng chung khu vực ĐBSCL. Ảnh: baocamau.com.vn

Hiệu quả công việc được nâng cao

Theo thống kê, toàn tỉnh Cà Mau hiện có 71 phần mềm, cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành được các sở, ban, ngành khai thác sử dụng hiệu quả. Tổng số chữ ký số đang sử dụng trong cơ quan, đơn vị nhà nước hiện nay gần 970 chữ ký số, trong đó có 260 chữ ký số tổ chức và 708 chữ ký số cá nhân. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức sử dụng phần mềm VIC (văn phòng điện tử) đạt 99% so với mục tiêu kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin 2019 là 100%.

Ông Nguyễn Triều Ấm - Phó chủ tịch UBND thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn cho rằng, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho cả cán bộ, người dân, giảm thời gian đi lại, các chi phí không cần thiết. Nếu như trước đây văn bản chỉ đạo từ huyện đưa xuống thị trấn hay báo cáo từ thị trấn gửi lên huyện phải mất vài ngày, nay qua hệ thống VIC chỉ vài giây nhấp chuột là cơ sở đã nhận được văn bản chỉ đạo, ngược lại cấp trên cũng nhận được ngay kết quả từ cơ sở, từ đó có nhiều thời gian để xử lý công việc hơn.

Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Năm Căn Lê Thế Yên cho biết, hệ thống một cửa điện tử của huyện được triển khai bước đầu mang lại hiệu quả. Các văn bản từ khâu soạn thảo đến trình ký, phát hành đều được huyện thực hiện theo đúng quy trình trên phần mềm quản lý văn bản. Qua đó, giúp công tác tìm kiếm văn bản đi, đến được dễ dàng, nâng cao năng suất, hiệu quả công tác, phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tiếp tục được nâng cấp, cập nhật tính năng mới theo yêu cầu, quy định của Chính phủ theo hướng tăng tính tiện dụng, đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng của các đối tượng người dùng; phân tích lập phương án kết nối đến các phần mềm dùng chung của bộ, ngành Trung ương. Đến nay, trên Cổng dịch vụ công của tỉnh có 64% thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, trong đó mức độ 4 chiếm 21%. Qua 8 tháng đầu năm 2019, địa bàn tỉnh Cà Mau đã có trên 17.500 hồ sơ nộp trực tuyến.

Trong thời gian qua, công tác cải cách hành chính tiếp tục được UBND tỉnh chỉ đạo xuyên suốt, toàn diện; một trong các mặt công tác trọng tâm là xây dựng chính quyền hiện đại, hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng cho biết, địa phương đã mạnh dạn xây dựng, sớm đưa vào vận hành Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách minh bạch và hiệu quả. Với mục tiêu là đảm bảo người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch sẽ được tiếp đón trong môi trường hiện đại, được cung cấp thông tin đầy đủ về các thủ tục hành chính, được hướng dẫn, trợ giúp làm quen với hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến. Việc thực hiện thủ tục hành chính được giám sát chặt chẽ theo quy trình một cửa sau khi các hồ sơ được tiếp nhận và quét vào hệ thống.

Với mục tiêu đó, thời gian qua, tỉnh đã tập trung nhiều biện pháp, như nghiên cứu triển khai hệ thống một cửa, bổ sung các tính năng cần thiết như cung cấp thông tin, tương tự phiếu theo dõi hồ sơ cho phần mềm quản lý chất lượng ISO 9001, 2012, 2015 để đánh giá theo yêu cầu. Phát triển hệ thống ISO điện tử, nếu như ban đầu chỉ cho phép người dân, doanh nghiệp tra cứu tìm hiểu các thủ tục hành chính của các ngành từ tỉnh đến huyện và nộp hồ sơ trực tuyến một số thủ tục có hồ sơ đơn giản, thì tới nay đã hình thành cổng thông tin trực tuyến một cửa điện tử và quản lý ISO điện tử, được tích hợp chặt chẽ với nhau thành một hệ thống và cho phép cán bộ, công chức hoàn toàn có thể xử lý theo quy trình một cửa. Điều này giúp công chức sớm nâng cao năng lực xử lý các thủ tục hành chính theo quy trình một cửa điện tử, đảm bảo mọi giao dịch của người dân đều được giảm thiểu về thời gian cũng như các chi phí.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng đánh giá, hệ thống một cửa điện tử và hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh ngày càng hoạt động ổn định, tin cậy hơn; các tính năng ngày càng được cập nhật thuận tiện, dễ dùng hơn, như cho phép sử dụng chữ ký số, quản lý các thành phần hồ sơ của người dân, doanh nghiệp đã nộp để sử dụng lại, thiết lập các thủ tục liên thông theo chiều ngang, chiều dọc từ cấp xã đến cấp tỉnh. “Tỉnh Cà Mau xác định, việc thường xuyên cải tiến để nâng cao độ thuận tiện, dễ dùng cho người dân, doanh nghiệp là mục tiêu. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ nâng cấp, đồng thời triển khai mạnh mẽ các hoạt động này ở cấp huyện, cấp xã”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng, chia sẻ.

Tránh lãng phí, tiết kiệm thời gian

Từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi tháng diễn ra khoảng 4-5 cuộc họp trực tuyến giữa UBND tỉnh với UBND các huyện, thành phố, cho thấy hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh hiện nay đang vận hành hiệu quả, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian tổ chức hội họp. Ngoài ra, hiện nay hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh đã kết nối được với /101 điểm thuộc các xã, thị trấn của 7 huyện (thành phố Cà Mau và huyện Đầm Dơi chưa triển khai). Từ đó giảm các chi phí tổ chức hội họp, tránh lãng phí thời gian, nâng cao hiệu quả và chất lượng của các cuộc họp, thông tin chỉ đạo điều hành quan trọng từ cấp tỉnh có thể triển khai nhanh chóng đến cấp huyện, cấp xã.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, tuy nhiên theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau, công tác đảm bảo an toàn thông tin của các cơ quan, đơn vị nhà nước trong tỉnh còn hạn chế. Nhiều cơ quan, đơn vị thiếu người chuyên trách công nghệ thông tin có đủ năng lực đảm nhiệm công việc này. Mặt khác, do nguồn ngân sách của địa phương còn nhiều khó khăn nên kinh phí dành cho ứng dụng công nghệ thông tin phát triển chính quyền điện tử hàng năm còn giới hạn. Nhiều dự án, nhiệm vụ công nghệ thông tin phải chia ra từng giai đoạn để đầu tư dẫn đến thiếu đồng bộ, lạc hậu về công nghệ.

Trước thực tế đó, tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ giao cho địa phương thực hiện trong năm 2019. Đặc biệt, một số nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng tham gia vào hệ thống mạng lưới hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia; thành lập đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh Cà Mau; xây dựng hệ thống quản lý an ninh thông tin theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001: 2013 cho Trung tâm dữ liệu tỉnh; triển khai phần mềm chống mã độc quản lý tập trung cho máy tính tại các cơ quan, đơn vị nhà nước.

Bên cạnh đó, trong năm 2019, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục mở 2 lớp tập huấn an toàn thông tin mạng dành cho lãnh đạo và cán bộ chuyên trách thuộc các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố. Đồng thời, Sở thường xuyên cử người tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn do các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành Trung ương tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và đảm bảo an toàn thông tin cá nhân trong kỷ nguyên số.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Cà Mau Trần Quốc Chính cho biết, hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Trung tâm Công nghệ phần mềm Đại học Cần Thơ (CUSC) xây dựng, chuyển giao Trục thông tin tích hợp ESB. Đây là giải pháp kết nối các phần mềm dùng chung của tỉnh và của bộ, ngành Trung ương triển khai tại địa phương.

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục thực hiện rà soát đánh giá kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên cổng dịch vụ công tỉnh. Ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến người dân, doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ công do cơ quan, đơn vị cung cấp, đảm bảo đến cuối năm 2019 có ít nhất 20% hồ sơ nộp trực tuyến phát sinh trên các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

Bài 2: “Kim chỉ Nam” của nền hành chính hiện đại 

Huỳnh Anh (TTXVN)
Cải cách hành chính tại TP Hồ Chí Minh - Bài 3: Hiện đại hóa nền hành chính
Cải cách hành chính tại TP Hồ Chí Minh - Bài 3: Hiện đại hóa nền hành chính

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan hành chính được TP Hồ Chí Minh xác định là khâu đột phá, cơ sở xây dựng chính quyền điện tử, tiến đến xây dựng và triển khai đề án đô thị thông minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN