Theo báo cáo của lãnh đạo 14 tỉnh Trung du, miền núi khu vực phía Bắc và các bộ, ngành liên quan, giai đoạn 2021-2025, các tỉnh được Trung ương giao tổng vốn đầu tư để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là gần 44.200 tỷ đồng, chiếm 44,18% nguồn lực đầu tư thực hiện trên cả nước; riêng năm 2022, đã phân bổ hơn 15.400 tỷ đồng. Các tỉnh đã tự cân đối số vốn hơn 2.000 tỷ đồng để thực hiện. Các địa phương đã giải ngân nguồn vốn Trung ương đạt hơn 55% kế hoạch. Năm 2023, dự kiến các tỉnh tiếp tục được phân bổ hơn 10.800 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện 3 chương trình Chương trình mục tiêu quốc gia.
Từ thực tế triển khai tại các địa phương đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc như: Nhiều nội dung công việc quan trọng phải chờ các bộ, ngành có văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn cụ thể. Một số dự án thiếu hướng dẫn, chưa có định mức hỗ trợ; thiếu hướng dẫn với các thôn, xã vùng miền núi dân tộc thiểu số sau khi sáp nhập… Một số quy định chưa thống nhất giữa các văn bản của bộ, ngành Trung ương gây khó khăn, lúng túng cho địa phương; có hướng dẫn còn chưa phù hợp với thực tế. Một số trình tự, thủ tục còn rườm rà, làm tăng thời gian triển khai dự án; chưa có hướng dẫn của Bộ Y tế về triển khai ứng dụng khám chữa bệnh từ xa; thiếu quy định về chi cho công tác tuyên truyền, xử lý nước thải. Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có hướng dẫn về tiêu chí huyện nông thôn mới…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trẩn Lưu Quang biểu dương nỗ lực của các địa phương trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời cho biết, các văn bản còn thiếu sẽ cố gắng hoàn thiện ngay trong tháng 2; các vấn đề còn vướng mắc cũng sẽ giao các bộ, ngành khẩn trương phối hợp giải quyết ngay trong quý I/2023. Thời gian tới, Trung ương sẽ có sự phân cấp mạnh hơn cho địa phương trong triển khai các dự án.
Phó Thủ tướng lưu ý các tỉnh cần có giải pháp thực hiện, tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí; tránh việc làm thủ tục chậm trễ, ảnh hưởng đến giải ngân; rà soát lại các danh mục, điều chỉnh theo hướng tập trung, tránh rủi ro, đỡ mất thời gian làm hồ sơ. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, có thể chủ động chương trình riêng hoặc lồng ghép vào các chương trình của địa phương.
Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã trực tiếp tới kiểm tra, khảo sát một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn.