Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, năm 2018, cả nước xuất khẩu 6,1 triệu tấn gạo với doanh số 3 tỷ USD. Thông thường thị trường thế giới, mỗi năm có nhu cầu từ - 45 triệu tấn gạo. Tuy vậy, năm nay nhu cầu chỉ từ - 40 triệu tấn do nhiều nước đẩy nhanh tự chủ lương thực. Một thị trường quan trọng khác là châu Âu và Mỹ thì năm nay thời tiết lạnh hơn nên được mùa lúa mì.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện cả nước đã xây dựng một kế hoạch sản xuất lương thực với diện tích 7,5 triệu ha, giảm 200.000 ha so với năm 2018. Nhưng bằng các tiến bộ kỹ thuật thì khả năng vẫn đạt sản lượng 43,5 triệu tấn, đủ nhu cầu trong nước và vẫn có thể xuất khẩu từ 6 - 7 triệu tấn gạo.
Gạo xuất khẩu chủ yếu là từ vùng đồng bằng sông Cửu Long và hiện vùng đã thu hoạch được khoảng 20%. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nêu ra khó khăn do tình hình giá lúa năm nay không cao bằng năm ngoái và các giao dịch của giữa doanh nghiệp với người dân rất ít. Điều này dẫn đến câu chuyện những tỉnh như Đồng Tháp, An Giang lúa đã chín nhưng không gặt đúng tiến độ được, vì không có giao dịch mua bán.
Đánh giá cao các giải pháp các bộ, ngành, doanh nghiệp nêu ra tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến giải pháp mở cửa thị trường, tìm các thị trường mới để xuất khẩu gạo. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tìm thị trường mới, lớn, dài hơi hơn.
Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo mua đủ lượng gạo và lúa dự trữ theo kế hoạch Nhà nước giao; các doanh nghiệp lương thực Nhà nước thực hiện đúng Nghị định 107/2018 của Chính phủ, theo đó, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó. Cùng với đó là tiếp tục thực hiện sớm kế hoạch xuất khẩu 200 nghìn tấn gạo sang Philippines và 100 nghìn tấn sang thị trường Trung Quốc.
Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Bộ Tài chính thống nhất chủ trương, biện pháp để mua gạo, phát triển trồng rừng, nhất là các tỉnh miền núi.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp, coi đây là chủ trương của Chính phủ nhằm có đủ vốn thu mua tạm trữ. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và hai Tổng công ty lương thực 1, 2 có chủ trương cụ thể, huy động nguồn lực mua kịp thời lúa gạo, với tư cách là vai trò của Nhà nước để làm gương.
Ngay trong đầu tuần tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì họp với lãnh đạo các tỉnh và các cơ quan khác để thúc đẩy mua lúa cho nông dân. Các địa phương có trách nhiệm giám sát việc thu mua lúa để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người nông dân.
Nhấn mạnh việc đảm bảo an ninh lương thực, phát triển lúa gạo còn gắn với ổn định xã hội, gia tăng giá trị và đảm bảo sinh kế cho người dân, Thủ tướng cho rằng, lúa gạo chỉ có con đường phát triển duy nhất là nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và cơ cấu lại sản phẩm, phù hợp với nhu cầu thị trường toàn cầu. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương phải triển khai mạnh mẽ đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo để có gạo ngon, tốt, chất lượng cao, gạo dược liệu, có thương hiệu.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm điểm đánh giá, báo cáo Thủ tướng về kết quả hội nghị lúa gạo Đồng bằng Sông Cửu Long để tiếp tục giải quyết các vấn đề đặt ra.
Thủ tướng yêu cầu Hiệp hội lương thực cần nắm tình hình, đề xuất giải pháp kịp thời với cơ quan quản lý, tránh bị động xảy ra, không để trung gian ép cấp, ép giá và có những hành vi không lành mạnh trong thu mua lúa gạo.