Điều này đã tạo tiền đề để địa phương Quảng Ngãi tiến tới nền sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững, thân thiện môi trường và có lợi cho sức khỏe con người.
Những ngày này, tại cánh đồng xã Hành Nhân, nông dân đang khẩn trương thu hoạch vụ lúa Đông Xuân. Người dân nơi đây vẫn không thể tin nổi rằng họ đã làm được điều ngoài sức tưởng tượng là trồng thành công loại lúa hữu cơ. Càng vui mừng hơn, những giống lúa mới được sản xuất theo phương thức mới lại cho năng suất tương đương hoặc cao hơn cách sản xuất truyền thống bấy lâu, thậm chí chất lượng vượt trội hơn hẳn.
Thu hoạch lúa tại cánh đồng xã Hành Nhân. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN |
Ông Phạm Ngọc Kiểu, Cán bộ kỹ thuật, Hợp tác xã nông nghiệp Hành Nhân cho biết, một số nông dân lúc đầu còn bỡ ngỡ nhưng sau khi tham gia vào dự án, họ cảm thấy rất yên tâm. Thứ nhất, ruộng đồng sạch sẽ, thân thiện môi trường, không ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, điều đó được xem là cốt lõi của việc trồng lúa hữu cơ. Thứ hai, các giống lúa trong mô hình đã chứng minh được tính “ưu việt” hơn, kháng được nhiều loại sâu bệnh.
Dự án này do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh làm chủ đầu tư, giao cho công ty Trách nhiệm hữu hạn Khoa học và Nông Tín thực hiện với tổng kinh phí đầu tư 7,9 tỷ đồng. Đến nay, đã triển khai sản xuất được 3 vụ trên 90 ha, thu hút hơn 300 hộ tham gia.
Năng suất bình quân của các giống lúa G02, LD1, BM125, gạo thảo dược sau thu hoạch đạt từ 60- 65 tạ/ha. Công ty cũng nhận bảo hành năng suất cho bà con ở mức 60 tạ/ha, cao hơn năng suất bình quân của tỉnh từ 52- 55 tạ/ha; nếu thấp hơn doanh nghiệp sẽ bù lỗ nên người nông dân rất phấn khởi.
Ông Phan Sơn, Chủ nhiệm điều hành Dự án hỗ trợ sản xuất lúa gạo hữu cơ chất lượng cao tại Quảng Ngãi thông tin, những hộ tham gia mô hình được nhà nước đầu tư 100% về giống. Đồng thời, được hỗ trợ 50% tiền phân bón, 50% còn lại được doanh nghiệp đứng ra cho vay trước và sẽ thu lại vào cuối vụ.
“Ngoài ra, phía doanh nghiệp cũng hỗ trợ người dân số tiền 50.000 đồng/sào công làm đất, khử lẫn; giám sát chặt chẽ, nghiêm ngặt quy trình sản xuất của người dân, yêu cầu họ phải dùng phân hữu cơ thay phân vô cơ, dùng chế phẩm sinh học thay cho thuốc vô cơ thông thường”, ông Sơn nói.
Tham gia mô hình, người nông dân còn được hưởng lợi lớn khi số tiền thực thu cao hơn 30- 40%, nhờ công ty thu mua với mức giá lúa tươi bằng lúa khô; thu nhập tăng thêm từ 30- 35% so với sản xuất lúa như trước đây.
Đây là “bước tiến mới” trong ngành sản xuất lúa gạo tại Quảng Ngãi, góp phần cải thiện chất lượng sống, dinh dưỡng cho người dân vùng thụ hưởng nói riêng và thị trường tiêu thụ nói chung.