Điểm mới trong phiên chất vấn lần này là không chất vấn theo nhóm vấn đề, không lựa chọn danh sách "cứng" người ngồi "ghế nóng" mà chất vấn tất cả thành viên Chính phủ. Những bộ trưởng, trưởng ngành nào có nội dung liên quan đều phải trả lời. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp thu hút đông đảo cử tri cả nước quan tâm, theo dõi. Phóng viên TTXVN ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của cử tri tại Hà Nội, Bình Thuận, Vĩnh Long.
Các Bộ trưởng đều chuẩn bị kỹ càng cho việc trả lời chất vấn
Cử tri Hoàng Văn Thu (xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận) cho rằng: Do không lựa chọn Bộ trưởng nào cụ thể tham gia trả lời chất vấn nên hầu hết các Bộ trưởng đều chuẩn bị khá kỹ cho việc trả lời chất vấn.
Ông Hoàng Văn Thu đánh giá cao việc Quốc hội dành 3 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn. Với việc Quốc hội đổi mới về thời lượng hỏi, trả lời chất vấn không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn thể hiện năng lực của người hỏi, người trả lời, đi thẳng vào vấn đề, không dàn trải. Bởi thực tế có đại biểu dẫn giải nhiều rồi mới đi đến câu hỏi, sự thay đổi này đòi hỏi đại biểu đặt thẳng câu hỏi, người trả lời phải trả lời vào nội dung chính thuộc trách nhiệm của mình.
Cử tri Đào Thị Hạnh (xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) nhận xét: Các đại biểu đã chất vấn những vấn đề trọng tâm, cụ thể, phần lớn các Bộ trưởng trả lời thẳng thắn. Tuy nhiên, vấn đề thi cử, tình trạng tham nhũng, ô nhiễm môi trường, sạt lở bờ sông… vẫn diễn biến phức tạp. Các Bộ trưởng đã cơ bản tổng hợp được những phần việc, nhóm giải pháp giải quyết thực tế để giải quyết các vấn đề. Cử tri mong nhận được những biện pháp cụ thể để giải quyết căn cơ vấn đề trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, cử tri Nguyễn Đắc Phương (Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ. Cách đặt vấn đề chất vấn của đại biểu trong phiên họp sáng nay khá sát với thực tiễn, thể hiện được sự mong mỏi của cử tri đối với những vấn đề xã hội đang đặt ra. Nội dung trả lời chất vấn của thành viên Chính phủ khá gọn, thể hiện được năng lực, trình độ quản lý của các thành viên Chính phủ trong lĩnh vực quản lý.
Theo cử tri Trần Hoàng Sơn (phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long): Nội dung chất vấn, năng lực, trình độ của người hỏi và người trả lời trong phiên họp sáng nay đã được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng đại biểu chưa đặt câu hỏi cụ thể các lĩnh vực cần chất vấn, còn chất vấn các vụ việc xảy ra ở địa phương mình, đặc biệt có đại biểu đặt câu hỏi không thuộc lĩnh vực phụ trách của Bộ trưởng quản lý. Ngoài ra, có những câu hỏi khó của đại biểu chưa được thành viên Chính phủ chuẩn bị tốt nên việc trả lời chưa đi vào trọng tâm.
Cử tri Trần Hoàng Sơn cho rằng, việc tường thuật trực tiếp phiên chất vấn và trả lời chất vấn giúp cử tri cả nước có điều kiện theo dõi nội dung trả lời của các thành viên Chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề đã và đang phát sinh trong xã hội. Các Bộ trưởng, trưởng ngành khi có những lời hứa, cam kết với đại biểu Quốc hội, với cử tri sẽ tiếp tục được theo dõi trong quá trình thực hiện.
Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và cải cách thể chế
Quan tâm theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 30/10 tại Quốc hội, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt (Chủ nhiệm Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) dành sự chú ý đặc biệt đến nội dung báo cáo và trả lời chất vấn liên quan đến giải pháp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước. Theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, một trong những giải pháp cần thiết là cải cách thể chế pháp luật nhằm hướng tới chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và phát triển đồng bộ nền kinh tế thị trường hiện nay.
Trong các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ thời gian gần đây đã chỉ rõ những yếu kém về cấu trúc nền kinh tế như: Các trụ cột tăng trưởng chưa thật bền vững, xuất khẩu dựa chủ yếu vào khu vực FDI, lĩnh vực sản xuất chủ yếu vẫn dựa trên gia công với hàm lượng giá trị gia tăng thấp dẫn đến năng suất lao động chưa có nhiều chuyển biến. Các lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ cũng phát triển chưa đúng tiềm năng và còn chịu nhiều rủi ro từ thị trường thế giới.
Khắc phục điểm yếu mang tính cấu trúc trên, theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và cải cách thể chế, môi trường kinh doanh để phát triển đồng bộ, lành mạnh hệ thống kinh tế thị trường. Ngoài ra, cũng cần có những thể chế, chính sách thật sự cụ thể và thiết thực để thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam là nòng cốt đi đầu trong việc phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế. Cùng với đó, chú trọng phát triển đồng bộ các thị trường, đặc biệt từng bước theo lộ trình thực hiện mở cửa và giải điều tiết các loại thị trường dịch vụ, gắn kết thị trường dịch vụ, thị trường tài chính, lao động, khoa học công nghệ với thị trường sản xuất của khu vực và thế giới. Từ đó tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng hàm lượng giá trị gia tăng và dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất – xuất khẩu toàn cầu.
Song song với đó, việc hoàn thiện hệ thống thể chế và luật pháp theo những cam kết quốc tế song phương, đa phương đóng vai trò cực kỳ quan trọng, đặc biệt là các cam kết trong các hiệp định tự do kiểu mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Những cam kết quốc tế song phương và đa phương khi đã được Quốc hội thông qua phải trở thành chính luật pháp của Việt Nam…
Đảm bảo công bằng, khách quan trong công tác xét xử các vụ án
Trong phần trình bày của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, công tác xét xử các vụ án hình sự về cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong năm qua chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội, Luật sư Nguyễn Thái Hòa (Trưởng Văn phòng luật sư Sông Hương, Đoàn luật sư Hà Nội) bày tỏ sự băn khoăn về việc làm thế nào để hạn chế án oan trong tố tụng hình sự.
Theo luật sư Nguyễn Thái Hòa, ngoài lý do hạn chế về kiến thức, nhận biết pháp luật, nguyên nhân phần nhiều dẫn đến việc điều tra, bắt giữ, xét xử oan sai là do đạo đức, phẩm chất và trách nhiệm của người thực thi pháp luật.
Để hạn chế án oan sai, Luật sư Nguyễn Thái Hòa cho rằng trong thực hiện cần bám sát các tiêu chí của tổ chức Đảng, tiếp đó là tăng cường công tác quản lý các chức danh tư pháp (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán…). Đặc biệt, nhằm tăng cường tính phòng ngừa và răn đe, cần có chế tài xử lý nghiêm đối với trường hợp để xảy ra oan sai. Ngoài việc phạt tiền, cần thải loại ra khỏi ngành đối với những cán bộ có sai phạm do đạo đức, phẩm chất, trách nhiệm kém. Thậm chí, đối với những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng cần truy cứu trách nhiệm hình sự nghiêm khắc để làm gương.
Cùng quan điểm với Luật sư Nguyễn Thái Hòa, Tiến sỹ Đinh Thế Hưng (Trưởng phòng Tư pháp Hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, để hạn chế tình trạng oan sai cần đề cao nguyên tắc tranh tụng bình đẳng, công khai trong quá trình khi xét xử các vụ án. Trong đó đề cao vai trò của các luật sư trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa sẽ là cơ sở để góp phần làm sáng tỏ bản chất của vụ án.
Cũng theo Tiến sỹ Đinh Thế Hưng, nhằm tạo điều kiện cho cơ quan Tòa án thêm kinh nghiệm và tăng cường sự thống nhất trong công tác xét xử cũng cần thiết sử dụng án lệ. Đây được coi là một bước cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Thực tế, mặc dù công việc này khá khó khăn nhưng Tòa án nhân dân Tối cao đã kiên trì thực hiện, đến nay đã xây dựng và công bố được 11 án lệ nhằm đảm bảo sự công bằng, thống nhất, khách quan trong quá trình giải quyết vụ việc.