Ưu tiên các tuyến mới có 2 làn xe
Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho biết, 2/3 tổng vốn đầu tư công của giai đoạn dành cho giao thông vận tải, nhưng các dự án giao thông vận tải ở tất cả các nhóm cũng như dự án quan trọng quốc gia đều phải điều chỉnh thời gian thực hiện, tổng mức đầu tư. Điều đó cho thấy công tác chuẩn bị chủ trương đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư không chính xác. Trong khi đó, hồ sơ trình đều báo cáo là chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan, khoa học, thực tiễn; các dự án thì đều có phương án dự phòng, kể cả dự phòng ngân sách.
Đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết trách nhiệm trong việc trình không chính xác thuộc về ai? Bộ trưởng có cho rằng cần phải xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân khi trình để các dự án không chính xác phải kéo dài thời gian thực hiện?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong kỳ trung hạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải được giao 64 dự án với số vốn hơn 300 nghìn tỷ đồng; đến nay đã phê duyệt 60 dự án và đang triển khai. Quá trình triển khai, cơ bản các dự án triển khai tương đối tốt, không tăng tổng mức đầu tư, “nếu có thì rất ít”.
Tuy nhiên, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 3 dự án tăng tổng mức đầu tư cao. Đó là Dự án cầu Rạch Miễu 2 (nối giữa Bến Tre và Tiền Giang); Dự án đường cao tốc Mĩ An - Cao Lãnh (nối Đồng Tháp và Tiền Giang); Dự án đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh. Thời gian khảo sát thiết kế dự án đúng thời gian dịch bệnh năm 2020-2021, dẫn đến công tác khảo sát chưa được triệt để. Ngoài ra, nguyên nhân chủ yếu do đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng khi triển khai chính thức khác với khi khảo sát, dẫn đến tổng mức đầu tư 3 dự án này tăng.
“Trước tình hình đó, Bộ Giao thông vận tải nghiêm túc xem xét trách nhiệm, chỉ đạo các cơ quan chức năng; phối hợp với các bộ ngành liên quan để thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm và xử phạt nhà thầu; có chế tài kiểm điểm ban quản lý dự án, chủ đầu tư, các cơ quan thẩm định và xem xét trách nhiệm, xử phạt nghiêm khắc các đơn vị tư vấn với hình thức phạt tiền hoặc hạn chế, thậm chí không cho phép tham gia thầu các dự án khác của Bộ”, Trưởng ngành Giao thông vận tải nêu.
Trả lời chất vấn về thủ tục đấu nối các tuyến đường giao thông của huyện, tỉnh và các tuyến quốc lộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2021, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 117/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Trong đó, Chính phủ đồng ý giao UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt các điểm đấu nối vào quốc lộ. Nói cách khác, nội dung này được phân cấp cho UBND cấp tỉnh. Do đó, trước khi quyết định, quy hoạch tỉnh phải có quy hoạch đấu nối; trao đổi với Bộ Giao thông vận tải về yêu cầu, tiêu chí kỹ thuật đảm bảo an toàn việc đấu nối trước khi quyết định.
Trả lời chất vấn về quan điểm của Bộ trong phân kỳ đầu tư với các dự án đường cao tốc 2 làn xe, 4 làn xe chưa có làn dừng khẩn cấp liên tục, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong thời gian qua, đặc biệt giai đoạn 2021-2026, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Nhiệm kỳ này đã dành trên 375 nghìn tỷ để triển khai xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, chủ yếu xây đường cao tốc.
"Tuy nhiên, việc xây dựng hiện chỉ đạt hơn 70% nhu cầu. Việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc trong bối cảnh nguồn lực có hạn là rất khó khả thi", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận định.
Hiện, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đều thực hiện phân kỳ đầu tư đối với các tuyến đường cao tốc. Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để thực hiện phân kỳ đầu tư theo nguyên tắc đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh nguồn lực có hạn, nhưng cũng tạo tiền đề và sự thuận lợi trong giai đoạn sau khi có nguồn lực để nâng cấp.
Trên nguyên tắc ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh đối với các đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, hiện nay, nhiều đoạn tuyến đã đầu tư hoàn chỉnh như Hà Nội - Hải Phòng, Bến Lức - Long Thành, Phan Thiết - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu. Nguyên tắc thứ hai, đối với các tuyến nhu cầu vận tải chưa cao, thực hiện phân kỳ đầu tư. “Chỉ phân kỳ đầu tư về bề rộng mặt cắt, còn các yếu tố kỹ thuật để nâng cấp đều phải đảm bảo và thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Với những nguyên tắc trên, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư để tham mưu báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét bổ sung danh mục, nguồn vốn tăng thu ngân sách 2022 để mở rộng 2 tuyến đường chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành địa phương, đề xuất hoàn thiện các đoạn tuyến cao tốc còn lại theo quy hoạch, ưu tiên các tuyến mới có 2 làn xe, có lưu lượng lớn để đảm bảo cả nước có hệ thống đường cao tốc đồng bộ, hiện đại.
Tăng cường xã hội hóa
Đồng tình với ý kiến tăng cường xã hội hóa với hạ tầng các cảng hàng không, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nêu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, theo quy hoạch, trong phát triển các cảng hàng không giai đoạn 2021-2030, cần ít nhất 400 nghìn tỷ đồng để hiện thực hóa quy hoạch. Tuy nhiên, nguồn lực Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hiện chỉ đáp ứng được khoảng 60%, cần nguồn lực rất lớn từ xã hội hóa.
Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải được Bộ Chính trị, Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng đề án xã hội hóa và đặt ra nguyên tắc xã hội hóa cùng với điều chỉnh quy hoạch. Bộ Giao thông vận tải cũng đã bổ sung thêm một địa phương có tiềm năng phát triển cảng hàng không để thực hiện xã hội hóa.
“Khi thực hiện xã hội hóa vẫn phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà nước với người dân, phải có chính sách để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp. Vì thực tế, đầu tư vào lĩnh vực cảng hàng không rất khó đảm bảo hiệu quả, song vẫn phải đảm bảo quốc phòng-an ninh cũng như quyền quản lý nhà nước về hàng không dân dụng, quyền của nhà nước về định đoạt tài sản kết cấu hạ tầng giao thông khi cần”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) về đường sắt kết nối với các cảng biển, sân bay, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt ra rất nhiều nhiệm vụ cho ngành Giao thông vận tải trong phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông đường sắt.
Đối với 3 dự án đại biểu nêu, Bộ trưởng cho biết, Dự án Biên Hòa - Vũng Tàu để kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải, Bộ Giao thông vận tải đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến chi phí đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Dự án này kêu gọi nguồn ngân sách và nguồn vốn ODA.
Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành kết nối giữa Sân bay Long Thành và Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến kinh phí khoảng 2,4 tỷ USD, có thể thực hiện theo hình thức xã hội hóa.
Tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Bộ đã lập dự án quy hoạch và đang thuê tư vấn với tổng mức đầu tư khoảng 6,5 tỷ USD đối với đường đơn và đối với đường đôi, hoàn chỉnh khoảng 10 -11 tỷ USD.
“Đây là những con số ngân sách rất lớn, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội để kêu gọi, huy động tất cả các nguồn lực: Ngân sách nhà nước, xã hội hóa và huy động các tổ chức tài chính quốc tế, đảm bảo phát triển kết cấu hạ tầng giao thông”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Trả lời tranh luận của đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) liên quan đến tuyến đường Cam Lộ-Túy Loan, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, đoạn Cam Lộ - La Sơn là dự án đầu tư công, có đoạn 4 làn xe, có đoạn 2 làn xe. Đoạn La Sơn-Túy Loan triển khai theo hình thức BT có 2 làn xe.
“Quan điểm trong nhiệm kỳ này là cố gắng giải phóng một lần, còn đầu tư có thể hoàn chỉnh hoặc phân kỳ. Cả 2 đoạn tuyến này đều đã giải phóng mặt bằng xong, thời gian tới, Bộ sẽ tham mưu, đề xuất mở rộng 2 tuyến này”, Bộ trưởng nói.