Các lãnh đạo đơn vị đã quan tâm hơn đến sáng kiến cải cách hành chính, thực hiện khẩn trương mô hình phòng họp không giấy, đôn đốc các đơn vị chậm trả lời, không có thời hạn chuyển sang có thời hạn sau 15 ngày nhận hồ sơ phải thông tin tiến độ giải quyết.
Sau khi sáp nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội vào Văn phòng Hội đồng nhân dân thành phố, văn phòng mới này hoạt động tốt. Bên cạnh đó thành phố đã giới thiệu 5 mô hình và 251 giải pháp hay về cải cách hành chính, nhân rộng mô hình "Bình Thạnh trực tuyến, Hóc Môn trực tuyến” ra 13 quận huyện khác. Ngoài ra lần đầu tiên thành phố ban hành quy chế phối hợp, quy định thời gian và quy trình cụ thể về giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các quận, huyện, sở ngành, thực hiện chi thu nhập tăng thêm gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị.
Bên cạnh những mặt tích cực, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ rõ một số hạn chế trong công tác cải cách hành chính như: ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 vẫn còn chưa đạt so với yêu cầu của Trung ương; công tác cải cách bộ máy hành chính còn thấp; đánh giá tác động cải cách hành chính của người dân, doanh nghiệp vẫn còn đứng thứ 60/63 tỉnh thành.
“Cả thành phố muốn chuyển động thì các quận, huyện phải chuyển mình, tăng tốc độ. Từ nay đến cuối năm 2019, phải tách sự đánh giá hài lòng của người dân còn thấp ở lĩnh vực xây dựng, đất đai, đầu tư kinh tế để có giám sát, thực hiện tốt hơn. Rà soát và nâng chỉ tiêu triển khai hơn 40% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4, đồng thời ứng dụng mạnh mẽ hơn mô hình “Bình Thạnh trực tuyến”, “Hóc Môn trực tuyến”, cần thiết chọn doanh nghiệp thiết kế và triển khai, tăng tốc ở các địa bàn còn lại”, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian qua các chỉ tiêu cải cách hành chính cơ bản hoàn thành, công tác chỉ đạo điều hành diễn ra kịp thời, có chất lượng, việc thực hiện ủy quyền 85 đầu việc đã phát huy hiệu quả, tăng chủ động sáng tạo cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị, giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng đều vượt so với chỉ tiêu đề ra.
Đáng chú ý là thành phố công khai minh bạch thủ tục hành chính, phê duyệt 21 quy trình nội bộ, triển khai mô hình phòng họp không giấy, nhắc việc thông minh, việc đánh giá sự hài lòng của người dân diễn ra nghiêm túc và có sự khảo sát độc lập của Ủy ban mặt trận Tổ quốc thành phố.
Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính vẫn còn hạn chế như: còn một số thủ trưởng đơn vị chưa sâu sát, chưa đột phá trong tham mưu chỉ đạo điều hành cải cách hành chính, thậm chí e dè, sợ trách nhiệm. Một số nơi phát động, triển khai cải cách hành chính chưa kịp thời, chưa thực chất và chưa có mô hình xứng tầm với chủ đề năm 2019 là năm đột phá về cải cách hành chính. Việc thực hiện ủy quyền còn chậm, lúng túng, vẫn còn 0,31% hồ sơ trễ hẹn với khoảng 31.900 hồ sơ chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng.
Trước tình hình đó, lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu các đơn vị triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, để trở thành khâu đột phá trong nhiệm vụ của bộ máy chính quyền các cấp. Các đơn vị bám sát các đề án lớn thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù, các đề án được HĐND thành phố thông qua. Sở Tài nguyên và Môi trường phấn đấu giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn xuống còn 0,1%, đồng thời công bố các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai xuống tận cấp phường xã.
Trong các thủ tục giải quyết hồ sơ trễ hẹn thì vấn đề đất đai luôn “đội sổ”. Về vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, ngành tài nguyên môi trường đã tiếp nhận gần 0.000 hồ sơ, trong đó đã giải quyết đúng hạn 308.000 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 90%). Tổng số hồ sơ trễ hạn vẫn còn hơn 34.00 hồ sơ. Nguyên nhân của việc trễ hạn này là do tập trung vào hồ sơ ký mới cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chuyển về Văn phòng đăng ký đất đai thành phố.
Để giải quyết tình trạng hồ sơ trễ hạn, ông Nguyễn Toàn Thắng cho hay, trong thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tập trung thực hiện 2 nhóm giải pháp. Thứ nhất là ủy quyền cho Giám đốc Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận – huyện được ký Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhằm rút ngắn thời gian giải quyết khoảng 10 ngày, đảm bảo tỷ lệ 60% hồ sơ giải quyết trễ hạn được giải quyết đúng hạn và nâng cao sự hài lòng của người dân. Giải pháp thứ hai là ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ như triển khai đồng bộ mô hình liên thông thuế điện tử giữa cơ quan tài nguyên môi trường với cơ quan thuế; đồng thời phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đất đai.