Hoạt động mua bán sâm củ giả mạo sâm Ngọc Linh đang diễn ra với nhiều hình thức: rao bán công khai trên mạng xã hội, giao dịch trực tiếp qua điện thoại... Hàng hóa thường cất giấu tại nơi ở và giao hàng bằng phương thức mua bán giao nhận tận tay.
Địa điểm bán sâm Ngọc Linh thường diễn ra chủ yếu tại nhà riêng hoặc việc vận chuyển sản phẩm thường không ghi rõ tên, địa chỉ cụ thể của người gửi, người nhận hàng hóa nên người mua, người bán sẽ phủ nhận hành vi vi phạm kinh doanh sâm Ngọc Linh nếu bị các lực lượng chức năng phát hiện.
Theo Ban chỉ đạo 9 tỉnh Kon Tum, các văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng, quy trình tạm giữ hàng hóa, quy trình lấy mẫu kiểm định, cơ quan chuyên môn có thẩm quyền phân tích, kết luận đối với sản phẩm sâm Ngọc Linh củ hiện chưa rõ ràng; giữa các cơ quan chức năng vẫn chưa có sự thống nhất về quy trình kiểm tra, xử lý đối với hành vi vi phạm mua bán sâm củ giả mạo sâm Ngọc Linh
Việc kiểm tra, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh sản phẩm giả mạo sản phẩm sâm Ngọc Linh nếu muốn xác định thật hay giả đều phải thực hiện quy trình lấy mẫu gửi cơ quan có thẩm quyền giám định, kết luận sâm Ngọc Linh thật hay giả phải mất rất nhiều thời gian và chi phí giám định rất lớn.
Trước tình hình này, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Kon Tum đã ban hành kế hoạch cao điểm đấu tranh chống hành vi buôn bán hàng giả, gian lận thương mại đối với các sản phẩm được giới thiệu sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh- sản phẩm quốc gia cũng như lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các Sở: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Kế hoạch và Đầu tư, Y tế và các đơn vị có liên quan mở đợt cao điểm đấu tranh xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hành vi gian lận thương mại, kinh doanh trái pháp luật đối với sản phẩm sâm Ngọc Linh củ và các sản có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh; làm rõ nguồn gốc sâm Ngọc Linh được dùng để chế biến tại các cơ sở chế biến hiện nay và kiên quyết xử lý các vi phạm (nếu có); thông báo công khai kết quả kiểm tra, xử lý trên phương tiện thông tin đại chúng.
Sở NN-PTNT tăng cường công tác quản lý nguồn giống sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh theo quy định (thanh tra, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận nguồn giống…).
Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, điều tra, phát hiện, lập chuyên án để đấu tranh có hiệu quả và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với đường dây, tụ điểm sản xuất, kinh doanh, vận chuyển các sản phẩm giả thương hiệu sâm Ngọc Linh…
Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm điển hình như: Phát hiện Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum ở huyện Đăk Tô chưa được cấp phép sản xuất, kinh doanh rượu nhưng trong nhà kho có 47 chum rượu đang ngâm ủ. Trong đó, có 10 chum rượu ngâm thảo dược và 37 chum rượu trắng.
Trong tháng 4/2017, Sở Công Thương chủ trì cùng Tổ liên ngành 9 tỉnh kiểm tra đột xuất tại Cửa hàng sâm Ngọc Linh ở 941 Phan Đình Phùng- thành phố Kon Tum, phát hiện vi phạm của cơ sở kinh doanh các sản phẩm được giới thiệu là có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh nhưng không cung cấp được cá loại giấy tờ, không chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các loại hàng hóa, với tổng giá trị gần 300 triệu đồng...
Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 300ha sâm Ngọc Linh, nhưng diện tích này chủ yếu là của Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô. Số diện tích trong dân chỉ khoảng chục héc ta. Hiện nay, các đơn vị trên vẫn chưa bán ra thị trường mà mới chủ yếu bảo tồn, nhân giống và phát triển thêm diện tích của đơn vị; còn nguồn sâm Ngọc Linh trong tự nhiên gần như đã cạn kiệt bởi sự săn lùng tận diệt trong thời gian qua.
Để công tác rà soát, thống kê diện tích sâm Ngọc Linh trên địa bàn đạt hiệu quả, rất cần sự hợp tác, ý kiến thống nhất từ phía người dân và các đơn vị trồng sâm. Cùng với đó là tăng cường các mô hình liên kết trồng sâm giữa doanh nghiệp và nhân dân nhằm nâng cao chất lượng sâm trồng, góp phần bảo tồn, phát triển giống sâm Ngọc Linh hiện có. Trong thời điểm nay, bà con nên bảo tồn, phát triển nguồn sâm, không nên bán sâm non vì sẽ mất đi giá trị của sâm; đồng thời giảm đi vùng phát triển sâm.