Anh có thể nhập 50% lương thực, thực phẩm năm 2040

Hiệp hội Nông dân quốc gia Anh (NFU) vừa lên tiếng cảnh báo rằng sản lượng lương thực, thực phẩm sản xuất tại nước này liên tục giảm trong 30 năm trở lại đây và đến năm 2040, "đảo quốc sương mù" sẽ phải nhập khẩu gần 50% lượng lương thực, thực phẩm cần thiết để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Theo số liệu của NFU, hiện có khoảng 60% lượng lương thực, thực phẩm tiêu thụ tại Vương quốc Anh được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, con số này được dự báo sẽ giảm xuống còn 53% trong vòng 25 năm tới và thậm chí có thể sẽ giảm xuống dưới ngưỡng 50% vào năm 2080.

Phó Chủ tịch NFU Guy Smith cho hay ngành nông nghiệp Anh hiện đang cung cấp phần lớn nguyên liệu thô, trị giá 97 tỷ bảng (khoảng 155 tỷ USD), cho ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống ở nước này, tạo việc làm cho 3,5 triệu lao động trên khắp cả nước.

Người dân Anh mua đồ trong siêu thị. Ảnh: The Guardian.


Nguy cơ lượng lương thực, thực phẩm sản xuất trong nước giảm xuống dưới ngưỡng 50% đang gióng lên "hồi chuông cảnh báo" đối với tất cả các chính đảng ở Vương quốc Anh vì điều này không chỉ ảnh hưởng tới an ninh lương thực quốc gia mà còn tác động tới việc làm và "sức khỏe" nền kinh tế. Ông Smith nhấn mạnh rằng, sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng Năm tới, chính phủ do bất cứ chính đảng nào lãnh đạo cũng cần phải coi việc đảm bảo an ninh lương thực là một ưu tiên hàng đầu.

Theo NFU, phần lớn người dân ở "xứ sở sương mù" cũng ủng hộ việc đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm ở trong nước khi kết quả một cuộc thăm dò dư luận cho thấy 85% số người được hỏi mong muốn có thêm nhiều loại nông sản có nguồn gốc từ Vương quốc Anh được bày bán tại các siêu thị.

Một phát ngôn viên Bộ Môi trường, Lương thực và Nông thôn (DEFRA) cho biết năm ngoái, ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm đã đóng góp mức cao kỷ lục 103 tỷ bảng (gần 165 tỷ USD) cho nền kinh tế Anh. Hiện DEFRA cũng đang hỗ trợ ngành công nghiệp này trở nên cạnh tranh hơn cả trong và ngoài nước bằng cách mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường học và bệnh viện mua các nông sản địa phương, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn các sản phẩm trong nước thông qua việc cải tiến nhãn mác nhận diện nguồn gốc sản phẩm và đầu tư vào công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.


Huy Hiệp
(P/v TTXVN tại London)

Rời EU, kinh tế Anh sẽ ra sao?
Rời EU, kinh tế Anh sẽ ra sao?

Việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Vương quốc Anh vào năm 2017 sẽ tiêu tốn của London hàng tỷ bảng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN