Thị trấn Kudowa Zdroj thanh bình gần biên giới với CH Séc. Ảnh: Tâm Mai - P/v TTXVN tại Séc. |
Rời thị trấn Nachod của CH Séc, các phóng viên TTVN đi vào địa phận của thị trấn Kudowa Zdroj của Ba Lan mà không nhận ra đã vượt qua đường biên giới lúc nào. Ranh giới giữa Ba Lan và CH Séc không dễ nhận ra bởi vì hoàn toàn vắng mặt lực lượng cảnh sát, hải quan và biên phòng. Điều này được coi là thành tựu lớn nhất của các nước Liên minh châu Âu (EU) trong thời gian qua. Tuy nhiên, thành tựu này đang bị đe dọa bởi ngày càng có nhiều tiếng nói trong các nước thành viên của EU muốn chấm dứt Hiệp ước Schengen, phá bỏ quyền tự do đi lại giữa các quốc gia tham gia Hiệp ước.
Thị trấn Kudowa Zdroj của Ba Lan chỉ cách thị trấn Nachod của CH Séc khoảng 5 km. Cửa khẩu giữa hai nước tử lâu không hoạt động và bị lãng quên. Thị trấn Kudowa Zdroj thanh bình, nhỏ nhắn, thưa dân và phong cảnh đẹp. Không có nhiều người nước ngoài đến đây và người dân ở đây tỏ ra rất thân thiện, cởi mở.
Dưới trời mưa tuyết trắng xóa chúng tôi lái xe tiến sâu vào nội địa của Ba Lan thêm 120 km, tới thành phố Wroslav. Cũng không hề gặp bất cứ trở ngại nào. Wroslav là một trong những thành phố lớn với khoảng trên 700.000 dân, nằm ở phía Tây Nam Ba Lan.
Tuy nhiên, khác với vẻ ngoài thanh bình, người dân thị trấn Kudowa Zdroj, thành phố Wroslav cũng như người dân trên toàn đất nước Ba Lan trong thời điểm hiện tại đều mang trong mình nỗi lo ngại về làn sóng người nhập cư Trung Đông và Bắc Phi. Mọi sự dừng như đang vượt quá tầm kiểm soát, kèm theo đó là an ninh quốc gia bị tổn hại sự bất ổn xã hội gia tăng.
Ba Lan đã tiếp nhận một số lượng người nhập cư khổng lồ từ nước láng giềng Ukraine. Chưa hết, Ba Lan còn bị EU áp đặt hạn ngạch người tỵ nạn từ các nước Hồi giáo. Điều này khiến tư tưởng bài ngoại, dân tộc cự đoan có cơ hội phát triển trong một số bộ phân người dân Ba Lan. Vào cuối tháng 11/2015 tại nước này đã điễn ra một số cuộc tuần hành chống lại người nhập cư. Hàng chục nghìn người tham dự tuần hành mang theo biểu ngữ “Ba Lan là của người Ba Lan. Người Ba Lan là của đất nước Ba Lan” và hô các khẩu hiểu kỳ thị đạo Hồi. Những người tham dự tuần hành đã đụng độ với cảnh sát.
Phóng viên TTXVN trao đổi với lao động nhập cư Ukraine và doanh nhân Ba Lan. Ảnh: Tâm Mai. |
Theo một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 11 năm 2015 tại Ba Lan, khi chưa xảy ra các vụ khủng bố ở Paris (Pháp), có 51% số người được hỏi phản đối việc tiếp nhận người nhập cư từ Trung Đông và Bắc Phi vào châu Âu. Chỉ có 43% số người ủng hộ. Còn trên mạng xã hội thì có tới 81% bình luận tiêu cực đối với người nhập cư Hồi giáo. Nguồn cơn của thái độ ghét bỏ này là sự khác biệt tôn giáo và văn hóa. Người Ba Lan lo sợ người nhập cư từ Trung Đông và Bắc Phi không tôn trọng truyền thống của nước sở tại, tấn công phụ nữ địa phương, truyền bá đạo Hồi ở Ba Lan. Bởi lý do này mà người Ba Lan dễ chấp nhận người nhập cư Ukraine hơn nhiều so với người tỵ nạn từ Trung Đông bởi sự gần gũi về ngôn ngữ, nguồn gốc, tôn giáo, văn hóa và cả ngoại hình.
Chúng tôi tình cờ gặp anh Alexandr Mytiuk, một người nhập cư Ukraine. Anh rời ngôi làng gần thành phố Kharkov để đến Ba Lan tìm việc làm bởi vì ở quê hương những cuộc xung đột kéo dài đã làm cho nền kinh tế kiệt quệ. Anh tâm sự: "Tôi đến đây để làm việc, để cho mình có cơ hội nhìn ngắm thế giới và cũng là kiếm thu nhập bởi vì ở Ukraine bây giờ khó khăn. Và tôi muốn cho con cái sau này may mắn hơn chính bản thân tôi”.
Chị Dorota Konzeniawsta, doanh nhân, là người có tư tưởng ôn hòa. Nhưng chị cũng tỏ ra dè dặt trước viễn cảnh người nhập cư Trung Đông có mặt ở quê hương chị: "Theo tôi, điều quan trọng là người nhập cư đến đất nước chúng tôi với mục đích gì. Chẳng hạn như người Ukraine vẫn đến Ba Lan và họ làm việc, sống theo luật pháp của Ba Lan và thích ứng với chúng tôi thì không có vấn đề gì. Còn những người nhập cư mà không muốn lao động, sống bằng trợ cấp, không tôn trọng luật pháp Ba Lan, áp đặt cho chúng tôi luật pháp của họ thì không nên nhận”.
Nhiều người Ba Lan cho rằng cần phải siết chặt kiểm soát đường biên giới bên ngoài EU để ngăn chặn dòng ngưởi bất hợp pháp vào EU, trong đó có Ba Lan. Thậm chí có cả ý kiến đòi phải kiểm soát sự đi lại trong nội bộ EU vì lý do an ninh.
Estera Bartrik làm việc trong một nhà hàng ở Kudowa Zdroj. Cô còn rất trẻ và ít quan tâm tới thời cuộc. Nhưng cô hiện rất lo ngại cho vấn đề an ninh bởi theo cô, các đường biên giới "trong suốt" giữa các nước Schengen tạo cơ hội cho các nhóm khủng bố và tội phạm di chuyển tự do. Cô nói: "Tôi muốn biên giới giữa các nước EU cho dù không đóng chặt mà thì cũng phải được kiểm soát. Phải kiểm soát những gì mà người ta mang vào đất nước chúng tôi. Điều quan trọng là phải có sự kiểm tra, kiểm soát dù không cấm cửa. Không cần visa, không cần giấy tờ gì cả, chỉ là kiểm tra để người ta không mang những thứ độc hại vào”.
Mới đây, ngày 18/1, tại phiên họp của Ủy ban châu Âu ở Strasbourg (Pháp) Thủ tướng Ba Lan Beata Szydło đã tuyên bố rằng Ba Lan hiện không có ý định tiếp nhận người tỵ nạn Syria. Đơn giản là "Ba Lan hết chỗ“ vì đã cưu mang “một triệu người nhập cư Ukraine”. Giới truyền thông nghi ngờ con số “một triệu” nhưng dự đoán có khoảng 700.000 người Ukraine đã đến Ba Lan tìm việc làm và chạy trốn các cuộc xung đột vũ trang. Tuyệt đại đa số trong đó không phải là người tỵ nạn mà là lao động nhập cư có thời hạn.