Để tránh một tương lai “đồng không mông quạnh” trong bối cảnh người trẻ lũ lượt rời bỏ quê hương đi tìm việc làm và tỉ lệ sinh giảm xuống mức kỉ lục, chính quyền thành phố Alcoutim (Bồ Đào Nha) đã nghĩ ra chính sách khuyến sinh trợ cấp 5.000 euro (khoảng 120 triệu đồng)/mỗi đứa trẻ được sinh ra. Trong 20 năm qua, dân số của thành phố Alcoutim nằm ở phía đông nam gần biên giới Tây Ban Nha đã giảm 1/3. Tỉ lệ sinh 0,9 trẻ/phụ nữ là mức thấp hơn tỉ lệ sinh quốc gia 1,21 trẻ/phụ nữ. Đây đồng thời cũng là tỉ lệ sinh thấp nhất trong Liên minh châu Âu (EU) và khiến các quan chức Bồ Đào Nha phải đau đầu.
Bồ Đào Nha là quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng lớn bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cũng như tại các nước khác, những người trẻ ở thành phố Alcoutim chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng thất nghiệp. Nhiều người buộc phải rời xa quê hương đi tìm việc làm. Trong khi đó, những người bám trụ ở lại trong cảnh túng quẫn phải hoãn kế hoạch xây dựng gia đình.
Vì vậy, để khuyến khích việc sinh đẻ, các quan chức địa phương đã lập ra cơ chế khuyến sinh, theo đó mỗi một đứa bé được sinh ra, bố mẹ sẽ nhận được 5.000 euro để trang trải cho chi phí nuôi dạy. Chính sách này ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng tích cực từ một bộ phận dân cư như gia đình cô Daniel Silva. Với người phụ nữ thất nghiệp 29 tuổi này, có chồng là anh Nuno 37 tuổi, làm việc tại một viện dưỡng lão và đang trong thời gian nghỉ ốm, tất cả các khoản cần phải sắm sanh cho cậu con trai sáu tháng tuổi Santiago "đều là những khoản phí đắt đỏ". Với họ, xây dựng gia đình là cả một cuộc vật lộn, và chính vì vậy, anh Nuno cho biết, “sự giúp đỡ của thành phố đóng một vai trò quan trọng".
Gia đình nhỏ của cô Daniela Silva. |
Dù không phải là loại hình khuyến sinh tiên phong ở Bồ Đào Nha, nhưng khoản trợ cấp “bạo vì tiền” của thành phố Alcoutim là mô hình chi mạnh tay nhất. Mặc dù còn non trẻ, song dự án được thiết lập từ tháng 8/2014 hiện đang chu cấp cho 6 gia đình này đã thu được một số thành quả hứa hẹn: trong năm nay dự kiến sẽ có 9 đứa trẻ chào đời, tăng từ con số 6 trẻ của năm ngoái. Mặc dù vẫn còn cách xa con số 23 trẻ được sinh ra ở Alcoutim trong năm 1995, đây vẫn được xem là một bước tiến của chính sách khuyến sinh.
Thị trưởng Osvaldo Goncalves cho hay, mục đích của chính sách này là “thu hút người trẻ” đến với thành phố “bởi không có người trẻ, không có trẻ em”.
Theo đánh giá của bà Vanessa Cunha, nhà nghiên cứu của Cơ quan Quan sát Gia đình Bồ Đào Nha, “một số khu vực trong nước, cụ thể ở miền trung, không phải là địa điểm lí tưởng cho các bạn trẻ muốn làm việc và xây dựng gia đình". Bà thừa nhận, cuộc khủng hoảng kinh tế và các biện pháp thắt lưng buộc bụng khiến nhiều cặp đôi rơi vào tình trạng “không ổn định” và buộc phải tạm gác lại dự định yên bề gia thất.
Eurotat, cơ quan thống kê của EU, đánh giá sự sụt giảm nhanh trong tỉ lệ sinh ở Bồ Đào Nha diễn ra trong thời gian gần đây. 10 năm trước, tỉ lệ này ở mức trung bình của EU, với 1,41 trẻ/phụ nữ. Trong khi đó, theo Viện Thống kê Quốc gia ở Bồ Đào Nha, nếu tỉ lệ sinh nước này tiếp tục giảm, dân số Bồ Đào Nha có thể giảm 20% trước năm 2060, từ 10,5 triệu dân xuống còn 8,6 triệu dân.
Gia đình anh Antonio (34 tuổi) và chị Jessica (22 tuổi) và đứa con 9 tháng tuổi là gia đình đầu tiên của Alcoutim thụ hưởng chính sách này. “Từ sữa bột, tã lót cho tới chi phí chăm sóc hàng ngày, tôi gần như không phải chi gì”, anh Antonio nói. Hiện Antonio làm việc tại một khu kí túc xá trong thành phố còn Jessica làm việc ở một trung tâm giữ trẻ. Theo Antonio, ngay cả khoản tiền 5.000 euro cũng “sẽ không đủ cho những ai thật sự không có gì”.
Ngoài chính sách khuyến sinh trên, các biện pháp khác cũng được đưa vào dự luật trình quốc hội để hỗ trợ các ông bố bà mẹ trẻ trên khắp cả nước, như tăng thời gian nghỉ sinh, chính sách ưu đãi về thuế cùng nhiều khoản trợ cấp khác. Tuy nhiên, theo ngài thị trưởng, dù đang phát huy tính hiệu quả, song “5.000 euro” không được đánh giá là biện pháp khuyến sinh “tối thượng” bởi một khi thị trường việc làm vẫn đìu hiu và không ổn định, chính sách này sẽ không có hiệu quả lâu dài.