Một trẻ nhỏ bị mắc bệnh teo não do virus Zika ở khu vực gần Recife, thủ phủ Pernambuco, miền đông bắc Brazil ngày 1/2. Ảnh: THX/TTXVN |
Đây là nỗ lực tiếp theo của chính phủ Brazil sau khi huy động tới 220.000 binh sĩ tham gia vào chiến dịch diệt muỗi.
Phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ dẫn lời Tổng thống Rousseff khi tới một trường công lập ở bang miền Đông Bắc Bahia khẳng định không thể để một con muỗi đánh bại cả một dân tộc với 204 triệu dân. Người dân Brazil cần phải chiến thắng dịch bệnh này và kêu gọi các em nhỏ tham gia tích cực vào chiến dịch diệt muỗi.
Trong chuyến thăm một trường học khác, Bộ trưởng Nông nghiệp Katia Abreu nhấn mạnh các giáo viên và nhân viên y tế có thể hướng dẫn học sinh trở thành đội quân “tí hon” tham gia hiệu quả vào chiến dịch diệt muỗi bởi các em có thể làm việc này hiệu quả tại từng gia đình và kêu gọi cha mẹ cùng tham gia.
Dịch virus Zika xuất hiện giữa năm ngoái tại Brazil và chỉ ít tháng sau, các nhà chức trách và nhà khoa học cho rằng đây là nguyên nhân khiến hàng trăm trẻ sơ sinh ở nước này bị mắc chứng bệnh teo não. Hiện Brazil đang tăng cường sản xuất thuốc diệt bọ ngậy Bt-horus. Thuốc này của công ty Embrapa trực thuộc Bộ Nông nghiệp, không gây độc hại cho sức khỏe và môi trường.
Cùng ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thừa nhận có nhiều bằng chứng cho thấy sự liên quan chặt chẽ giữa virus Zika với bệnh teo não ở thai nhi và hội chứng rối loạn hệ thống miễn dịch Guillain Barré, có thể gây tử vong. Tuy nhiên, WHO cũng cho biết kết luận chính xác chỉ có thể được biết vào giữa năm nay. Tổ chức này cho rằng thế giới cần tới 56 triệu USD để triển khai các hành động phòng ngừa virus Zika lây lan trên toàn cầu sau khi đã có gần 40 quốc gia có bệnh nhân, đặc biệt là tại Mỹ Latinh.
Bộ trưởng Y tế Ecuador Margarita Guevara cũng thông báo hiện nước này đã có hơn 50 bệnh nhân nhiễm virus Zika. Ecuador đã huy động 64.000 nhân viên y tế và đông đảo binh sĩ quân đội tham gia vào chiến dịch phòng chống muỗi Aedes, nhằm để dịch bệnh không lây lan.
Virus Zika lây nhiễm qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes. Triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm virus là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban. Hiện chưa có vaccine phòng ngừa virus Zika. Loại virus này đầu tiên được phát hiện ở loài khỉ Rhesus sống trong rừng Zika thuộc Uganda từ năm 1947. Các đợt bùng phát virus Zika từng được ghi nhận tại khu vực châu Phi, Đông Nam Á, các quần đảo ở Thái Bình Dương và một số nước ở châu Mỹ.
Ngày 19/2, Cơ quan Y tế tỉnh Ontario của Canada xác nhận đã có trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên tại đây, nâng số người nhiễm bệnh trên toàn Canada lên 10 người.
Phóng viên TTXVN tại Canada dẫn thông báo của Cơ quan Y tế công cộng Ontario nêu rõ cơ quan này đã nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với virus Zika của một phụ nữ vừa đi du lịch Colombia trở về. Rất may phụ nữ này không mang thai. Khẳng định phòng chống virus Zika là một ưu tiên của địa phương hiện nay, người đứng đầu Cơ quan Y tế Ontario cho biết đã tiến hành các bước chuẩn bị để đảm bảo hệ thống y tế luôn sẵn sàng và đề nghị người dân chủ động kiểm tra y tế khi đi du lịch trở về từ những vùng nghi có dịch.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Canada Jane Philpott cho biết tính đến ngày 17/2 đã có 9 trường hợp nhiễm virus Zika ở Canada. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh quốc gia Canada (CDC) cho biết không có trường hợp nào bị lây nhiễm trong nội địa Canada mà đều từ nước ngoài như ở El Salvador và Colombia.
Khả năng xuất hiện bệnh tại Canada là rất thấp do loại muỗi Aedes truyền virus Zika không sống được trong điều kiện khí hậu tại Canada và khả năng lây truyền bệnh từ người sang người cũng rất hiếm. Tuy nhiên, khả năng virus này xâm nhập từ những người đi du lịch trở về sẽ rất cao. Trong khi đó, rất khó phát hiện dấu hiệu bị nhiễm virus Zika vì 80% triệu chứng bệnh không điển hình.