Thời tiết ấm áp ở Sochi của Nga có thể là điềm báo thế giới đang cạn dần những địa điểm đủ giá lạnh để tổ chức các Olympics mùa đông.
Vận động viên Pháp thi đấu trong cuộc thi trượt tuyết các môn phối hợp cá nhân cự ly 10 km tại Olympics Sochi. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nhiệt độ trong những ngày diễn ra Olympics Sochi lên tới 15,5 độ C, ấm tương đương với nhiều ngày diễn ra Thế vận hội mùa hè London 2012. Theo trang forecast.io, nhiệt độ trung bình của Olympics Sochi là khoảng hơn 7 độ C, chỉ thấp hơn một chút so với mức trung bình của Vancouver 2010 - Thế vận hội mùa đông ấm nhất lịch sử. Nhưng mức nhiệt cao nhất của Sochi lại cao hơn Vancouver, và điều đáng nói là mức nhiệt trung bình ngày của thành phố Canada cũng không quá 10 độ C.
Hơn 100 vận động viên tại Sochi đã phàn nàn về điều kiện thi đấu không tốt, không chỉ vì thời tiết quá ấm mà còn vì lý do thực sự: biến đổi khí hậu. Tuyển thủ trượt tuyết của Mỹ, Andrew Newell, mới đây đã lên tiếng: “Khí hậu của chúng ta đang thay đổi và chúng ta đang đánh mất mùa đông”. Newell dẫn một nghiên cứu mới đây cho thấy rằng do sự ấm lên toàn cầu, chỉ khoảng 1/3 trong số 19 thành phố chủ nhà Olympics mùa đông gần nhất sẽ đủ lạnh để tổ chức thế vận hội này một lần nữa cho tới cuối thế kỷ 21.
Nghiên cứu này do Đại học Waterloo ở Canada và Viện quản lý Innsbruck ở Áo thực hiện, đã tính toán nhiệt độ trung bình cao nhất trong ngày của các địa điểm tổ chức thế vận hội mùa đông vào tháng 2 (thường là thời gian tổ chức sự kiện này). Họ nhận ra rằng nhiệt độ đã tăng dần từ 0 độ trong những năm 1920 - 1950 lên 7,7 độ vào thời điểm hiện tại.
Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra dự đoán bi quan về tương lai, dựa trên các dữ liệu khí hậu quốc tế và tính toán về khí thải nhà kính. Họ định nghĩa khí hậu thích hợp để đủ lạnh dựa trên các yếu tố như “xác suất nhiệt độ thấp nhất trong ngày ở độ cao thi đấu nằm dưới mức đóng băng” hay “xác suất một khối tuyết cao ít nhất 30 cm có thể được duy trì ở độ cao cao hơn trong các môn thi đấu trên núi, cả nhờ tuyết rơi tự nhiên lẫn nhờ làm tuyết nhân tạo”. Kết quả là, chỉ 6 địa điểm sẽ còn thích hợp để tổ chức Olympics: Albertville, Calgary, Cortina d’Ampezzo, St. Moritz, Salt Lake City và Sapporo.
Đáng chú là Sochi được liệt vào danh sách đủ lạnh cho thế vận hội vào lúc này, tức là việc trao quyền tổ chức cho thành phố cận nhiệt đới bên bờ biển Đen này không phải là một sai lầm của Ủy ban Olympics quốc tế (IOC). Trên thực tế, các tác giả nghiên cứu cho rằng những công nghệ mới như làm tuyết giả đã khiến IOC sẵn sàng lựa chọn những thành phố ấm hơn để đăng cai Olympics. Tổ chức này công khai tuyên bố họ cân nhắc việc các nước ứng cử đưa ra kế hoạch thích nghi với sự ấm lên toàn cầu.
Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia của Mỹ (NOAA) còn đi xa hơn, khi lập bản đồ nhiệt độ thấp nhất trung bình cho tháng 1 và 2 của các thành phố chủ nhà Olympics mùa đông từ năm 1911 đến 2011. Bản đồ của NOAA cho thấy miền bắc Trung Quốc và nhiều phần của Nga có thể phù hợp để tổ chức thế vận hội trong tương lai. Trong khi đó, Pyeongchang ở Hàn Quốc, nơi tổ chức Olympics 2018, có vẻ khá nguy hiểm, với nhiệt độ hiện vào khoảng 4 độ C.
Tuy nhiên, tác giả Daniel Scott của Đại học Waterloo cho biết vị trí địa lý của Olympics có thể không nhất thiết phải thay đổi. Thay vào đó, bản chất của thế vận hội có thể biến đổi, như cách nó luôn diễn ra trước đây. Chẳng hạn, Vancouver có thể đăng cai Olympics một lần nữa, nhưng lần này họ sẽ phải tổ chức môn trượt tuyết và trượt ván tuyết ở những nơi cao hơn trên dãy Rocky. Độ cao của thị trấn Garmisch-Partenkirchen, Đức, sẽ không đủ cho nhiều môn ngoài trời của thế vận hội, nhưng nó luôn có thể làm đồng chủ nhà với một quốc gia khác như Áo hay Thụy Sĩ. Scott cho hay: “Đó là một mô hình khác so với các thế vận hội trước đây. Trong các kỳ Olympics từ trước tới nay, luôn chỉ là nước chủ nhà thể hiện văn hóa, xã hội của họ với thế giới. Nhưng trong một thế giới ấm hơn, mô hình đó có thể không còn bền vững”.
Trần Anh - Vũ Lộc