Hajar Hamdan sống với mẹ, chị gái và hai con của chị gái trong khu trại tị nạn Deheishe gần Bethlehem ở Bờ Tây. Trong một khu vực toàn nhà cửa bê tông, gia đình Hamdan vẫn có rau xanh để ăn nhờ một khu vườn trong nhà kính trên mái nhà.
Một phụ nữ ở khu tị nạn Deheishe chăm sóc rau trồng trên mái nhà. Ảnh: Internet |
Gia đình của Hamdan là một trong 15 hộ ở Deheishe trồng rau trên mái nhà – một phần trong dự án đang được mở rộng ra cả khu tị nạn. Nhờ có mảnh vườn này mà nhà Hamdan không những đủ rau ăn mà còn đủ cho cả hàng xóm.
Không ai trong gia đình Hamdan có việc làm ổn định, tài chính eo hẹp nên Hamdan rất vui vì tiết kiệm được tiền mua rau. Cô nói: “Rau tự trồng giúp tiết kiệm nhiều tiền và tập làm nông dân cũng là điều hay. Làm việc trong nhà kính trồng rau còn giúp tôi vui vẻ”.
Hamdan cho biết cô trồng cà chua, dưa chuột, đậu xanh, cà tím và bí ngồi. Khi ăn không hết, Hamdan lại chia sẻ với hàng xóm. Rau tự trồng có mùi vị rất ngon vì không có tí hóa chất nào.
Dự án nhà kính trên mái nhà được Karama – một tổ chức phi chính phủ ở Deheishe - khởi động từ tháng 4/2012.
Khu tị nạn Deheishe được dựng lên từ năm 1949 trên một diện tích chỉ 0,3 km vuông nhưng lại là nơi ở của 13.000 người, trong đó 1/3 không có việc làm.
Luay Abdul Ghafar, giám đốc dự án nhà kính, cho biết: “Chúng tôi không có không gian xanh và điều kiện kinh tế thật tồi tệ. Phần lớn người dân đều xuất phát từ nhà nông nhưng không còn tiếp xúc với đất đai nữa. Ý tưởng của dự án là giúp mọi người vừa làm kinh tế vừa nối lại mối liên hệ với đất đai”.
Theo ông Ghafar, mùa thu hoạch đầu tiên rất thành công khi phần lớn gia đình đều trồng đủ rau để ăn và một số gia đình còn phân phát cho cả hàng xóm.
Ông Ghafar cho biết, hàng hóa nhập vào Bờ Tây qua Ixrael và được bán với giá của người Ixraen. Điều đó có nghĩa là rau quả rất đắt đỏ đối với phần lớn người Palestine có thu nhập thấp hơn nhiều.
Ông ước tính rằng nhiều người tiết kiệm được 1/4 ngân sách hàng tháng nhờ tự trồng rau quả.
Chi phí cho những ngôi nhà kính đầu tiên được trả bằng tiền do một phụ nữ người Mỹ gốc Palestine đóng góp. Khu tị nạn Aida gần đó cũng có một loạt nhà kính trồng rau xây bằng tiền của Liên hợp quốc.
Tổ chức Karama còn đang đàm phán với các tổ chức phi chính phủ lớn hơn để mở rộng dự án. Ông Ghafar nói: “Chúng tôi sẽ sớm có thêm 65 nhà kính nữa. Chúng tôi muốn cung cấp nhà kính trồng rau cho càng nhiều gia đình càng tốt”.
Mô hình trồng rau trên mái nhà chủ yếu do phụ nữ quản lý để giúp họ có được vị thế tốt hơn trong gia đình và cộng đồng.
Các gia đình tham gia dự án được lựa chọn tùy theo nhu cầu của họ miễn là họ có đủ ánh mặt trời trên mái nhà và thích trồng trọt. Ông Ghafar còn tham vọng hơn khi nghĩ đến việc thành lập một hiệp hội hợp tác xã để người dân có thể bán rau không ăn hết với giá rẻ cho những người khác không có điều kiện trồng rau.
Theo ông Ghafar, lúc đầu một số người còn hoài nghi về nhà kính vì trước đó họ đã thử trồng rau trực tiếp trên mái nhà nhưng đất đã làm hỏng nhà của họ. Tuy nhiên, trong dự án nhà kính này, đất không đặt trực tiếp lên mái nhà.
Bản thân Hamdan cũng cho biết cô ngần ngại lúc đầu nhưng sau khi trồng rau trong nhà kính, cô đã thấy sự khác biệt đối với đời sống gia đình. Cô nói: “Tôi sẽ khuyến khích mọi người cùng trồng rau trong nhà kính như mình”.
Thùy Dương (theo CNN)