Đổ sắt xuống biển để "chôn"... khí cácbon

Trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature (Tự nhiên) hôm 18/7/2012, nhóm các chuyên gia quốc tế cho rằng đổ sắt xuống biển có thể giúp hấp thụ khí thải cácbon từ khí quyển và "giữ chân" nó ở đáy đại dương trong hàng thế kỷ, góp phần thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.


Đổ sắt xuống biển có thể giúp hấp thụ khí thải cácbon từ khí quyển.


Mặc dù đã góp thêm tiếng nói ủng hộ việc sử dụng đại dương để ngăn chặn tình trạng ấm lên của khí hậu Trái Đất vốn gây nhiều tranh cãi, nhưng kết quả nghiên cứu lại chưa trả lời được câu hỏi về nguy cơ đe dọa đối với sinh vật biển.


Theo nghiên cứu trên, khi được đổ xuống biển, sắt có thể kích thích sự phát triển của những loài thực vật nhỏ bé mà khi kết thúc quá trình sinh trưởng, chúng sẽ trở thành "cái bẫy" hấp thụ khí thải cácbon đặt ở đáy đại dương. Năm 2004, các nhà khoa học đã rải 7 tấn sunphát sắt (iron sulphate) - một loại “thức ăn” không thể thiếu của thực vật biển, xuống khu vực biển Nam Cực. Kết quả là tảo cát đã sinh trưởng nhanh chóng, góp phần hấp thụ khoảng một nửa lượng khí thải cácbon ở độ sâu 1.000 mét dưới mặt nước. Tảo cát được “nuôi” bằng sunphát sắt có thể cô lập khí cácbon trong hàng thế kỷ ở đáy đại dương, và lâu hơn ở những lớp trầm tích khác.


Đây là lần đầu tiên có một nghiên cứu mang tính thuyết phục về khả năng khí thải cácbon có thể được “chôn” ở đáy đại dương nhờ sự hấp thụ của tảo biển. Vấn đề đặt ra là liệu khí thải cácbon còn có ở những vùng nước bên trên đáy biển – nơi chúng có thể quay trở lại bầu khí quyển, hay không? Hàng chục nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng sắt có thể giúp tảo biển sinh trưởng nhanh chóng, nhưng lại không thể đi đến kết luận về cơ chế tảo biển “chôn” khí thải cácbon. Bản thân nhóm nghiên cứu cũng cho rằng cần tiếp tục có những thử nghiệm sâu hơn về vấn đề này.


Tuy nhiên, Công ước London về đổ thải xuống biển cấm việc tiến hành những thí nghiệm trên diện rộng do lo sợ các tác hại không mong muốn. Ông Victor Smetacek thuộc Viện Alfred Wegener – Đức, trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng việc đổ sắt xuống biển để hấp thụ khí cácbon nên được đặt dưới sự giám sát của Liên hợp quốc, và không trái với các hiệp định, công ước có liên quan. Hơn thế nữa, không nên cho phép các công ty tư nhân thực hiện thí nghiệm, vì khó có thể giám sát chặt chẽ.


TTXVN/Tin tức

Bộ tăng áp - lựa chọn cắt giảm khí thải cácbon khôn ngoan
Bộ tăng áp - lựa chọn cắt giảm khí thải cácbon khôn ngoan

Trong cuộc chiến toàn cầu chống khí thải cácbon vài năm gần đây, các nhà sản xuất ô tô đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thúc đẩy hiệu quả sử dụng nhiên liệu của động cơ đốt trong nhờ những cải tiến như bộ tăng áp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN