Đài truyền hình nhà nước CGTN của Trung Quốc vừa công bố một đoạn video cho thấy cảnh hàng chục ngàn con vịt đi dọc đường biên giới Trung Quốc với nước láng giềng Pakistan – quốc gia đang phải đối mặt với nạn châu chấu tồi tệ nhất nhiều thập kỷ qua.
Trên mạng xã hội Twitter, CGTN chia sẻ video này cùng dòng chú thích “Các binh sĩ vịt tập trung ở biên giới để đương đầu với đàn châu chấu”. (Xem video dưới đây. Nguồn: CGTN)
Cộng đồng mạng tỏ ra thích thú về sự xuất hiện của “các đặc vụ kêu quạc quạc” – kẻ thù tự nhiên của châu chấu – cũng như hào hứng bình luận về vấn đề này. Zhang Zehua, nhà nghiên cứu tại Viện Bảo vệ Thực vật thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, phát biểu với hãng thông tấn Tân Hoa rằng đàn châu chấu sa mạc ít khả năng di chuyển thẳng đến vùng nội địa Trung Quốc. Tuy nhiên nguy cơ loài côn trùng này sẽ xâm nhập Trung Quốc vào mùa hè tới có thể gia tăng đáng kể do tình trạng bùng phát ở các nước láng giềng.
Các đàn châu chấu với số lượng có thể lên tới hàng trăm tỷ con, tàn phá toàn bộ mùa màng trên đường di chuyển của chúng, đã khiến cơ quan chức năng Pakistan phải ban bố tình trạng khẩn cấp. “Bão” châu chấu trầm trọng nhất trong hơn hai thập kỷ qua đã phá hủy 40% vụ mùa tại quốc gia Nam Á này.
Giới chức địa phương cho biết đang xem xét nhập khẩu thuốc trừ sâu của Ấn Độ - một thương vụ ngoại lệ kể từ khi hai bên dừng hoạt động thương mại song phương liên quan đến tranh chấp lãnh thổ tại Kashmir.
Bản thân Ấn Độ cũng đã đầu tư thiết bị bay không người lái đặc biệt để phun thuốc diệt châu chấu. New Delhi còn cắt cử quan chức cấp cao đích thân giám sát tình hình.
Trước đó, đàn châu chấu đã tấn công khu vực Đông Phi, cụ thể là Kenya, Somalia, Eritrea và Djibouti. Sau đó, loài côn trùng này quét sang Tanzania, Uganda và Nam Sudan. Liên hợp quốc cảnh báo nạn dịch này có thể khiến 25 triệu người dân ở Sudan bị thiếu lương thực. Ngay trước khi thảm hoạ châu chấu bùng phát, gần 20 triệu người ở khu vực phía Đông châu Phi thường xuyên phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực do tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, với hạn hán và lũ lụt triền miên.
Châu chấu không đe dọa sức khỏe của con người và vật nuôi, nhưng lại gây hại cho ngành nông nghiệp và phiền toái cho đời sống sinh hoạt hàng ngày của con người. Chúng ăn tất cả các loài thực vật, lá, hoa, quả, hạt và thân cây.
Chúng là loài côn trùng sinh trưởng đơn độc sau đó tập hợp lại trong mùa sinh sản và dẫn tới hình thành những bầy lớn. Các bầy côn trùng này được hình thành ở miền Đông Ethiopia và Bắc Somalia sau đó lây lan ra toàn khu vực.
Theo FAO, dịch châu chấu lần này là “bộc phát” khi một phần khu vực bị ảnh hưởng, tuy nhiên, nếu diễn biến trở nên tồi tệ hơn và không thể khống chế trong vòng một năm hoặc lâu hơn, thì đó sẽ trở thành “dịch bệnh” châu chấu.
Trước đó đã có 5 dịch châu chấu sa mạc lớn trong những năm 1990, nạn dịch cuối cùng đã diễn ra hồi những năm 1987-1989 và đợt bộc phát lớn cuối cùng của loài côn trùng này là những năm 2003-2005.