Các thùng rượu vang Beaujolais dành cho mùa lễ hội 2015 ở Lyon, Pháp. Ảnh: Reuters |
Đó dường như là một niềm an ủi nho nhỏ cho những gì nước Pháp vừa trải qua, và cũng là lí do vì sao bầu không khí ăn mừng năm nay càng trở nên đặc biệt. Dù trời hơi mưa phùn, nhưng nhà sản xuất truyền hình Marie vẫn có mặt trên tầng thượng, nâng trên tay một cốc rượu vang để thể hiện tinh thần “chúng tôi sẽ không bao giờ chịu thua” trước chủ nghĩa khủng bố, trước âm mưu làm thay đổi cách cuộc sống vẫn hằng diễn ra ở thủ đô Paris, kinh đô ánh sáng.
Tối 17/11, hưởng ứng hai chiến dịch riêng lẽ được phát động trên mạng xã hội Twitter, hàng ngàn người dân Paris đã đến tầng lượng của các quán café, cùng đoàn kết thể hiện sự “kháng cự của nước Pháp”. Nicolas Decatoire, quản lý nhà hàng Le Gavroche chia sẻ: “Trái tim đau nhiều lắm, nhưng chúng tôi không thể quên đi truyền thống của mình… Đây là mùa Năm mới của người Pháp”.
Kí ức làm nên sức mạnh
Quả vậy, vào thời điểm khi mũi dùi khủng bố được hướng vào nghệ thuật sống của nước Pháp, 50 nhà sản xuất rượu từ vùng Beaujolias, phía bắc của thành phố Lyon vẫn quyết định tải rượu đến thủ đô trên những chiếc xe Citroen 2CV vẫn thường phát ra những tiếng ồn nhỏ, một thứ hình ảnh tự bao giờ đã trở thành biểu tượng nhắc người dân nhớ đến một nước Pháp thảnh thơi, thanh bình.
Cũng trong những ngày này, doanh số bán quyển hồi ký tràn ngập niềm vui về Paris những năm 1920 của nhà văn Mỹ Ernest Hemingway “A Moveable Feast” cũng tăng lên. Bản dịch tiếng Pháp có tựa đề “Paris là một bữa tiệc” vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng tự truyện trên trang Amazon Pháp ngày 19/11 và xếp thứ hai trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất.
Theo đánh giá của nhà tâm lý học Helene Romano, đây hoàn toàn là điều dễ hiểu bởi con người có xu hướng tìm về và nương nhờ vào những ký ức tươi đẹp cùng những giá trị truyền thống để vượt qua dư chấn của những sự kiện kinh hoàng. Và “điều này đúng với mọi nền văn hóa”.
Yêu thương sẽ thắng bạo tàn
Trong những ngày nước Pháp còn nhức nhối nỗi đau, một trong những đoạn video được lan truyền nhiều trên các mạng xã hội là về sự đoàn kết sắc tộc trong lòng xã hội Pháp. Một người đàn ông Hồi giáo không rõ danh tính ở thủ đô Paris với tấm khăn quàng cổ quấn kín mặt và hai tấm biển “Tôi là người Hồi giáo” và “Các bạn có tin tôi không?”, kêu gọi người dân Paris cùng chia sẻ những cái ôm.
Trên quảng trường "Place de la Republique" nơi mọi người đến bày tỏ niềm tiếc thương với những người đã khuất, người đàn ông này sau đó bộc bạch: “Tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã ôm tôi. Tôi làm chuyện này để gửi đi một thông điệp: Tôi là một người Hồi giáo, nhưng điều đó không biến tôi thành một tên khủng bố. Tôi chưa từng giết người… Một tên khủng bố là một tên khủng bố, một kẻ sẵn sàng giết người chẳng cần lý do. Còn một người Hồi giáo sẽ không bao giờ làm điều đó. Đạo của chúng tôi cấm điều đó”.
Ở một góc khác ở thủ đô Paris, tại hiện trường vụ tấn công nhà hát Bataclan, phóng viên tờ Le Petit Journal đã có một đoạn phỏng vấn đầy xúc động về câu chuyện của hai cha con người Pháp gốc Á. Và đoạn video đã nhanh chóng đốt cháy mạng xã hội, thu hút trên 41 triệu lượt xem tính riêng trên một trang xã hội Facebook.
Trong ánh mắt trẻ thơ, đêm kinh hoàng ở thủ đô Paris xảy ra vì tồn tại những kẻ xấu, và cậu thậm chí còn nghĩ đến việc “phải chuyển đi”. Trước tâm tư bất ngờ được bộc lộ của con trai, người bố đã điềm tĩnh trấn an: “Không đâu, không phải lo lắng, chúng ta không cần chuyển đi đâu cả. Nước Pháp là nhà của chúng ta”. Bởi theo lời giảng giải của người bố, “kẻ xấu có ở khắp mọi nơi… Chúng có thể có súng nhưng chúng ta có những cành hoa” để chống lại cái ác.
Vẻ mặt tươi vui trở lại của cậu bé sau khi nhận ra "Những cành hoa và cây nến ở đây là để bảo vệ chúng ta". |
“Cành hoa - khẩu súng” không phải là câu chuyện duy nhất được những ông bố Pháp truyền đi sau đợt tấn công khủng bố. Một người bố ở Paris bống chốc lâm vào cảnh gà trống nuôi con đã gửi đến nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng một thông điệp mạnh mẽ: “Các người sẽ không có được lòng thù hận của tôi”.
Trên trang Facebook cá nhân ngày 16/11, Antoine Leiris đã viết những lời tiễn biệt sâu sắc dành cho người vợ. “Tối hôm thứ sáu, các người đã cướp đi mạng sống của một con người đặc biệt, tình yêu của đời tôi, mẹ của con trai tôi, nhưng các người sẽ không có được lòng căm thù của tôi. Tôi không biết các người là ai, và tôi không có mong muốn làm điều đó… Các người đã thất bại rồi. Tôi sẽ vẫn sống như tôi đã từng sống…
Chỉ còn hai chúng tôi, con trai và tôi, nhưng chúng tôi mạnh hơn tất thảy các đội quân của thế giới. Tôi chẳng có nhiều thời gian hơn nữa để ban phát cho các người, tôi phải đến chỗ Melvil để đánh thức thằng bé dậy. Thằng bé mới chỉ 17 tháng tuổi. Nó sẽ ăn những bữa ăn như nó vẫn làm hàng ngày, sau đó chúng tôi sẽ chơi như chúng tôi vẫn chơi hàng ngày và mỗi ngày trong cuộc đời của Melvil, chàng trai nhỏ bé này sẽ đương đầu với các người bằng hạnh phúc và tự do. Bởi vì các người cũng sẽ không có được lòng thù hận của thằng bé”.
Đếm sao hết những ông bố, bà mẹ của Paris. Tháp Eiffel vẫn vươn lên và dòng sông Seine vẫn chảy. Tôi bất chợt nhận ra chẳng phải ngẫu nhiên Paris được mệnh danh là kinh đô Ánh sáng.