Ngoài những mất mát không thể tính được về con người, kinh nghiệm từ các vụ tấn công khủng bố tại New York năm 2001, Madrid năm 2004, London năm 2005 và Mumbai năm 2008 đã chỉ ra rằng những tác động của chúng đối với lĩnh vực kinh tế chỉ mang tính tạm thời. Theo ước tính, vụ xả súng và đánh bom đẫm máu của các phần tử khủng bố nhằm vào thủ đô nước Pháp hôm 13/11, cướp đi sinh mạng của 130 người và làm hàng trăm người bị thương, đã làm lượng vé hòa nhạc bán ra giảm tới 80%. Những người mua sắm cũng đã rời xa các cửa hàng sầm uất ở Paris là Printemps và Galeries Lafayette, với lượng khách hàng giảm khoảng 30 - 50%. Ngoài ra, các khách sạn cũng đối mặt với nhiều quyết định hủy đặt phòng.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng những phản ứng nêu trên chỉ là tạm thời.
Cảnh sát Pháp tuần tra trước Viện bảo tàng Louvre ở Paris ngày 16/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Sau vụ đánh bom tàu hỏa tại Madrid, Tây Ban Nha ngày 11/3/2004, làm 191 người thiệt mạng và gần 2.000 người bị thương, nghiên cứu của trường Đại học Complutense ước tính GDP của riêng thành phố Madrid đã suy giảm 0,16% và GDP của cả "xứ sở bò tót" sụt giảm 0,03%.
Tại Anh, niềm tin của người tiêu dùng đã bị tác động mạnh sau khi 4 vụ đánh bom liên hoàn trên ba chuyến tàu điện ngầm và 1 xe buýt đã cướp đi sinh mạng của 56 người. Song các chuyên gia thuộc ngân hàng BNP Paribas nhận định sự phục hồi kinh tế ở đây vẫn diễn ra nhanh chóng. Một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs cho biết trong các vụ tấn công tương tự ở Madrid hay London, những tác động lên các số liệu thống kê trên toàn quốc và niềm tin của toàn bộ giới tiêu dùng là tương đối nhỏ.
Song, các vụ tấn công khủng bố vừa qua ở Paris không hoàn toàn giống như thế, bởi nó diễn ra chỉ 10 tháng sau khi các tay súng cực đoan tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo, sát hại những họa sĩ biếm họa được yêu thích nhất của nước Pháp và một số người khác. Hai nhà phân tích Dominic Bryant và Gizem Kara của BNP Paribas nói rằng trong khi các vụ tấn công khủng bố ở Paris gây ra những mất mát quá lớn về con người đối với thành phố nói riêng và cả nước Pháp nói chung, thì những phản ứng tích cực từ thị trường tài chính trước những hành động tàn ác và quá khứ đau thương ấy cho thấy dường như tác động của chúng lên nền kinh tế là không quá lớn. Mặc dù đây là vụ tấn công khủng bố thứ hai mà Paris phải gánh chịu chỉ trong chưa đầy 12 tháng, song sự phục hồi kinh tế của Pháp vẫn tương đối nhanh.
Tại Mumbai, Ấn Độ, khi các tay súng Hồi giáo cực đoan đột chiếm các khách sạn hạng sang, những nhà ga tàu hỏa lớn và một số địa điểm khác hồi tháng 11/2008, làm 166 người thiệt mạng, giới doanh nghiệp đã nhắc đến một sự suy giảm lợi nhuận và làn sóng hủy các dịch vụ du lịch. Nhà kinh tế Ashutoh Data từ IIFL Institutional Equities nhận định về sự kiện này: “Bầu không khí thương mại đã bị ảnh hưởng trong vài tháng, song tình hình đã trở lại bình thường chỉ trong 3 - 6 tháng sau đó, bởi dù các vụ tấn công có kinh khủng thế nào thì người ta cũng không có cảm giác là đất nước đang trở nên bất ổn”.
Tại Pháp, dường như các nhà đầu tư cũng sẽ không bỏ rơi quốc gia này. Muriel Penicaud, Giám đốc điều hành cơ quan đại diện thương mại Pháp Business France, nhận định đầu tư là một quyết định dài hạn, liên quan đến chiến lược hợp tác. Dù nguy cơ bị tấn công khủng bố đang là mối lo ngại lớn ở trong và ngoài châu Âu, song nhu cầu đầu tư nhân lực, cơ sở hạ tầng, thị trường... vào các nước khác vẫn rất quan trọng trong chiến lược của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích Philippe Gudin tại ngân hàng Barclays, dù sức mua đang dần phục hồi sau vụ khủng bố ở Paris, song tác động lên ngành du lịch có thể sẽ kéo dài hơn. Ông Gudin cho biết các vụ tấn công nhằm vào dân thường ở một nước châu Âu có thể gây ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, một mối đe dọa lớn ở nơi mà động lực phát triển cả châu Âu chính là nhu cầu của người tiêu dùng. Du lịch có thể bị ảnh hưởng lâu dài hơn, tác động đến các hoạt động kinh tế trong quý cuối của năm 2015. Và những tác động dài hạn hơn thì chưa thể tính được.